• Kỳ vĩ hang động khó chua la, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa
  • Thời gian đăng: 23/01/2019 10:51:30 AM
  • Hang động Khó Chua La được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm, do sự biến đổi của vỏ trái đất kéo theo hàng loạt sự đứt gãy của các hệ thống núi, sự phun trào của núi lửa đã hình thành nên hang động đá.
  • Nằm trong dãy núi đá vôi cùng với sự hình thành địa chất đã tạo cho danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La hai kiểu hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái hang động. Trong hang động có rất nhiều các sinh vật như: Dơi, chim, chuột, nhện… Nơi đây có thể trở thành địa điểm cho các nhà nghiên cứu khoa học, công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

    1khochuala.jpg

    Hang động Khó Chua La được người dân phát hiện từ năm 2008 trong quá trình đi làm nương. Do được nhân dân trong xã có ý thức gìn giữ, bảo vệ nên vẻ đẹp của hang động cũng như cảnh quanh xung quanh khu vực hang động vẫn nguyên vẹn. Việc phát hiện ra hang động Khó Chua La, xã Xá Nhè đã mở ra hy vọng, hướng phát triển du lịch hang động bền vững nơi đây và là một trong những yếu tố quan trọng đánh thức tiềm năng du lịch huyện Tủa Chùa phát triển. Hiện tại toàn huyện có 4 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó có 3 di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 01 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

    Hang động Khó Chua La là một hang động tự nhiên, với vẻ đẹp nguyên sơ với những khối nhũ đá lộng lẫy và hình thù kỳ lạ đã tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có so với các hang động đã được phát hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Hang động nằm trong khu vực dãy núi đá vôi, được hình thành từ những kiến tạo địa chất trong hàng triệu năm đã tạo nên một hang động ăn sâu vào trong núi đá với vẻ đẹp kỳ bí, độc đáo. Trước cửa hang động là nương của nhân dân và xung quanh là khu rừng tái sinh. Hang động nằm ở vị trí cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, với chiều dài trên 800m, chia làm 3 khoang. Trong hang động nơi rộng nhất gần 18m, vòm cao trung bình từ 18 đến 25m, phần lớn dưới nền hang động là đất, đá. Do địa hình núi đá vôi chia cắt cùng với quá trình karst hoà tan và ng­ưng đọng carbonat hình thành nên khá nhiều nhũ đá màu vàng, xám, xanh rêu hay các cột đá, măng đá, chuông đá. Cửa hang động ăn sâu xuống đất và hướng về phía Đông - Nam, để vào được bên trong hang động, du khách phải bám vào vách đá rồi tụt xuống một khe nhỏ rộng 2,5m, cao 3m.

    Khoang thứ nhất có chiều dài trên 200m, nơi rộng nhất gần 15m, vòm cao 12 đến 25m, nền hang động thấp hơn cửa hang động khoảng 3m, dốc thoai thoải và bằng phẳng dần về phía trong. Hai bên vách hang động là các dải nhũ đá buông xuống màu vàng, ánh bạc, xanh xám đan xen nhau trông giống như bức màn gió, cụm lúa, đèn chùm to nhỏ khác nhau hay hình thù các loài vật tạo ra một cảnh đẹp huyền ảo, kỳ bí. Càng vào trong hang động ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trần hang động là những nhũ đá hình các con vật như: Voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá. Với vẻ đẹp hoang sơ, nhiệt độ trong hang luôn ở mức 20 đến 210C, tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, thích thú khi được trải nghiệm trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy huyền bí này.

    Khoang thứ hai nằm ở vị trí cao hơn khoang thứ nhất, có chiều dài 250m, nơi rộng nhất 15m, vòm cao trung bình 18 đến 25m. Nền hang động chủ yếu là đất đá lồi lõm, hai bên vách hang động có nhiều nhũ đá chen lẫn nhau với hình dạng cây sương rồng, cây đa, cây si cổ thụ có những bộ rễ dài rủ xuống hoặc đâm xuống nền hang động. Ở giữa khoang thứ hai có những khối nhũ đá màu trắng ngà tạo cho du khách như lạc vào khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, hay có những trụ đá to được tách ra thành các mũi nhũ đá đều và đẹp, khi gõ vào tạo nên những âm thanh vang vọng lạ kỳ.

     Đặc biệt ở giữa khoang thứ hai nền hang động có nhiều dải đá uốn lượn hình ruộng bậc thang, hình hoa sen, các mô hình sa bàn với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Hình thù hang động càng trở nên kỳ lạ khi vách và nền hang động được tạo nên bởi những viên cuội nhỏ, những khối thạch nhũ màu nâu, vàng kết cấu thành bờ, uốn lượn, nối liền với nhau tựa như một con suối nhỏ dài khoảng 5m, rộng 80 đến 90cm, bên trong trũng sâu hơn 1m, vào mùa mưa bên trong có nước chảy tràn từ cao xuống thấp. Cuối khoang thứ hai, giáp với khoang thứ ba dưới nền hang động có nhiều cột nhũ đá dài, sắc nhọn quây tròn trông giống một tòa lâu đài được trang trí cầu kỳ sang trọng, đó là muôn vàn những tia đá màu trắng, vàng mọc ra từ vách và nền hang động tạo thành những đường diềm trang trí nhiều màu sắc mang vẻ đẹp kỳ vĩ, đây là minh chứng rõ ràng của thời gian và tạo hóa để lại trên miền đất Tây Băc tuyệt đẹp này.

     Để sang được khoang thứ ba với một cảm giác mạo hiểm, muốn tiếp tục khám phá phía bên trong, du khách phải tỉ mỉ và cẩn thận bám dây đi men theo vách đá cao gần 3m trơn trượt. Khoang thứ ba nằm ở vị trí thấp hơn so với hai khoang trước, với chiều dài gần 400m, nơi rộng nhất 18m, vòm cao trung bình 18 đến 22m. Trên trần và hai bên vách hang động chủ yếu là những khối nhũ đá màu vàng, trắng rủ xuống tựa hình thác nước, hình cụm lúa. Nền hang động một số chỗ nhũ đá trải dài, uốn lượn hình ruộng bậc thang và điều kỳ thú là ở cuối khoang thứ ba có một mó nước trong mát được chảy ra từ vách hang động đãtạo nên sựbí ẩn, trí tò mò đối với du khách.

    1khochuala1.jpg

     

    Đến với xã Xá Nhè, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự trong lành của thiên nhiên mà còn được thưởng thức các sản vật từ rừng như: Các loại măng, rau đắng, thịt gà đen, thịt dê, món thắng cố, mèn mén, rượu Mông Pê…Đặc biệt đây là nơi sinh sống lâu đời của dân tộc Mông và hiện đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của dân tộc, là thế mạnh cho việc phát triển du lịch thám hiểm thiên nhiên và tìm hiểu, nghiên cứu các hình thức nghệ thuật, phong tục tập quán, các làn điện dân ca, dân vũ tạo thêm sự đa dạng, phong phú làm sinh động môi trường văn hóa nơi đây. Ngoài ra vùng núi này cũng chứa đựng nhiều giá trị sinh học đa dạng với nhiều loài thú đặc hữu của vùng núi Tây Bắc.

             Về mặt lịch sử hang động Khó Chua La là một di sản thiên nhiên độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của trái đất,cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra hay quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình, địa mạo hay giá trị về cổ sinh học và sinh học.

    1khochuala2.jpg

    Về mặt khoa học, hang động Khó Chua La được ví như một bảo tàng địa chất, giúp nhà khoa học có thể nghiên cứu các chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất đai, đặc điểm về địa hình địa mạo và môi trường, sinh học của trái đất.

    Về mặt du lịch, hang động đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, với sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với công tác bảo tồn, khai thác và liên kết phát triển du lịch với các di tích trên tuyến đường đi huyện Tủa Chùa như: Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Thành Vàng Lồng, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hang động Xá Nhè hay các cảnh quan tự nhiên nhưbãi đá tự nhiên tại xã Tả Phìn, hang động xã Tủa Thàng hay du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Sông Đà tại xã Huổi Só, xã Tủa Thàng, hoặc có thể tham quan,giao lưu, gặp gỡđồng bào các dân tộc tại chợ phiên ở xã Xá Nhè, xã Tả Sìn Thàng và chợ sông xã Huổi Só. Có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và sở hữu di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hang động Xá Nhè, bên cạnh đó còn có một nền văn hóa độc đáo, phong phú đa dạng nên hiện nay xã Xá Nhè đã và đang trở thành điểm tham quan du lịch của nhiều du khách. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trong những tuyến du lịch trọng điểm của huyện Tủa Chùa nhằmđáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí góp phần phong phú thêm các hình thức du lịch, nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

    Về mặt kinh tế Tủa Chùa là một trong những huyện có tiềm năng du lịch sinh thái khá phong phú, với rừng núi, thác nước, sông hồ, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh hang động và đặc biệt là nền văn hóa đậm nét truyền thống của các dân tộc…là điều kiện thuận lợi khiến cho huyện Tủa Chùa thêm phần hấp dẫn không chỉ đối với du khách mà còn tạo cho tỉnh nhà nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hang động Khó Chua La là tuyệt tác được tạo nên từ sự kết hợp của thiên nhiên, không gian, thời gian và ánh sáng… trải qua hàng triệu năm, sự vận động, bào mòn và những rung động của các tầng địa chất. Để bảo vệ, phát huy được lợi ích kinh tế, xã hội trong việc khai thác di tích phục vụ hoạt động du lịch, cần xác định:

     Một là: Khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích hang động Khó Chua La với tổng diện tích: 648.076,9 m2, trong đó: Khu vực bảo vệ I: 300.743,2m2, khu vực bảo vệ II: 347.333,7m2.

    Hai là: Cắm mốc khu vực bảo vệ I, II nhằm ngăn chặn việc xâm hại di tích và là cơ sở, pháp lý để bảo vệ các yếu tố cấu thành, vùng bao quanh địa mạo, cảnh quan thiên nhiên môi trường sinh thái. Việc quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng di tích phải tuân theo Luật Di sản văn hóa.

    Ba là: Tạo lập cho di tích cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ văn hoá du lịch, hỗ trợ tại chỗ theo nhu cầu của du khách như: Hướng dẫn du lịch, bán các mặt hàng lưu niệm, phục vụ giải khát. Nghiên cứu tìm hiểu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về văn hóa, du lịch của địa phương nơi có di tích. Xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Tủa Chùa - Điện Biên thể hiện được sự đặc trưng và tính hấp dẫn cao, bổ sung vào di tích những yếu tố cần thiết như: Làm đường tham quan, xây dựng công viên vui chơi giải trí ngoài trời, công viên xanh, vườn hoa nhằm tạo môi trường không khí trong lành, không gian thoáng đãng và cảnh đẹp. Xây dựng nhà bảo vệ và đón tiếp khách tham quan.

     Bốn là: Với tiềm năng du lịch phong phú cả về tự nhiên và nhân văn sẽ tạo điều kiện để du lịch xã Xá Nhè phát triển, các tour du lịch ở đây là sự kết hợp cả tiềm năng du lịch tự nhiên và tiềm năng du lịch nhân văn. Kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc địa phương, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đặc sản của địa phương đến đông đảo du khách trong và ngoài nước để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch.

    Năm là: Nâng cao chất lượng thuyết minh viên hướng dẫn tại điểm di tích, đào tạo trình độ ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu dưới góc độ tài nguyên du lịch - văn hoá cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tờ gấp, phóng sự, phim tư liệu, website, bản tin, bản đồ, ấn phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và cộng đồng địa phương về công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản thiên nhiên. Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên và là tài sản của nhân loại cần phải giữ gìn cho thế hệ mai sau.

    Sáu là: Đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng; bảo vệ môi trường, Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa cho nhân dân địa phương và những người dân trong cộng đồng hiểu được giá trị, lợi ích mà nhân dân được hưởng lợi từ di sản thiên nhiên, từ đó việc bảo vệ di sản và khai thác phát triển du lịch mới được tốt.

     Hang động Khó Chua La là sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên tạo ra, cảnh vật thiên nhiên xung quanh động đến nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hệ động thực vật phong phú với nhiều loại quý hiếm, những cánh rừng nguyên sinh còn chứa nhiều bí ẩn, trong tương lai nơi đây sẽ là điểm tham quan du lịch, tìm hiểu khám phá thiên nhiên, thế giới động vật, nghiên cứu khoa học đối với mọi du khách. Do đó để giữ gìn hang động Khó Chua La nói riêng, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, cảnh đẹp thiên nhiên của huyện Tủa Chùa nói chung thì cần phải đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, đồng thời kết hợp khai thác những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của địa phương một cách thiết thực nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống tinh thần của nhân dân.

  • Nguyễn Hữu Điển, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy
  • Các tin khác:
    Huyện Tủa Chùa triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
    Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp trực tuyến với Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19
    Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng thôn, bản xã Xá Nhè
    Trung tâm Y tế huyện huyện Tủa Chùa tổ chức tập huấn triển khai quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em
    Thường trực HĐND huyện Tủa Chùa tổ chức phiên họp thứ Hai
    Huyện Tủa Chùa tổ chức bồi dưỡng chính trị hè năm 2021 cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
    Chương trình vùng Tủa Chùa đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyệntổ chức Khảo sát sinh kế để thiết kế các can thiệp phù hợp cho các hộ gia đình
    Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam tổ chức tập huấn Giảng viên nguồn về sản xuất nông nghiệp an toàn tại Tủa Chùa
    Đoàn công tác Tỉnh Đoàn Điện Biên làm việc với Ban Thường vụ Huyện đoàn Tủa Chùa
    HĐND thị trấn Tủa Chùa khoá VII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ Hai
    2421-2430 of 3695<  ...  238  239  240  241  242  243  244  245  246  247  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website