• Phòng chống lây bệnh truyền dại từ vật nuôi
  • Thời gian đăng: 07/09/2019 05:50:02 PM
  • Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với rất nhiều gia đình Việt Nam, tuy nhiên nếu không được tiêm phòng và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành “thú dữ”, gây hại cho sức khỏe của con người. Hàng năm, tại Việt Nam có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại do bị chó dại, mèo dại cắn
  • Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Hàng năm, Điện Biên luôn ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong do dại: Năm 2010 (05), năm 2011 (17), năm 2012 (05), năm 2013 (05), năm 2014 (01), năm 2015 ( 01), năm 2016 (05), năm 2017 (03), năm 2018 (02) và trong 7 tháng đầu năm 2019 đã có 2.117 người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào đã đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống dại với tổng số 8.199 mũi tiêm. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

    Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:

    - Loài thường mắc: Động vật máu nóng, chủ yếu là chó, mèo hoặc có thể là các loại động vật hoang dã như: dơi, chó sói, chồn, cáo… và các động vật có vú khác.

    - Nguồn bệnh: Ở nước ta, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm đến hơn 90%, sau đó là mèo nhà.

    - Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua vết cắn, vết cào, vết liếm, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.

    - Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn. Sau khi bị chó, mèo dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 - 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

    Các biểu hiện của bệnh dại ở chó, mèo:

    * Ở chó:

    - Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, tru lên từng hồi; bồn chồn, nhảy lên đớp không khí. Chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu.

    - Chó bỏ ăn, sốt, có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, bồn chồn, sợ sệt, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng. Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ cũng cắn gặm, tấn công chó khác, kể cả người.

    - Thời kỳ bại liệt: chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm, lưỡi, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt.

    - Chó chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và kiệt sức vì không ăn uống được.

    * Ở mèo:   

    - Mèo ít bị mắc dại hơn chó, bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó.

    - Mèo hay núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn như khi động dục; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng, tạo vết thương sâu.

    Biểu hiện của bệnh dại trên người:

    Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

    - Thể hung dữ: Thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản...

    - Thể liệt: Bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong sau 7 - 10 ngày.

    Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

    - Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y;

    - Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn;

    - Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

    Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

    - Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch (đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn).

    - Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

    - Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

    - Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời(Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại).

    - Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

    - Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

    - Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

     -nh-minh-h-a7-9-09.jpg

    Ảnh minh họa

    Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa. Vì vậy, những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo, vì trẻ em thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải.  Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường; vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó, mèo rụng bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm và nên tắm thường xuyên cho chó, mèo.

  • Trần Hường - Phòng Y tế huyện
  • Các tin khác:
    Tập huấn nghiệp vụ ủy thác năm 2022 cho cán bộ Hội phụ nữ cơ sở
    Ban Tuyên giáo Huyện uỷ làm việc với Thường trực Đảng uỷ xã Trung Thu và thăm mô hình tiêu biểu về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
    Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Mường Báng lần thứ 26, nhiệm kỳ 2022-2027
    Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP
    Đoàn công tác của huyện làm việc tại xã Sín Chải
    Phòng Giáo dục và Đào tao huyện Tủa Chùa gặp mặt đội tuyển dự thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh, năm học 2021-2022
    Quần thể 100 cây chè Shan Tuyết thuộc xã Sín Chải được công nhận là cây Di sản Việt Nam
    Đoàn Công tác của huyện làm việc tại xã Tủa Thàng
    Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4
    Hội nghị ký xác nhận pháp lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp thuộc tỉnh Lai Châu giáp ranh với tỉnh Điện Biên đoạn liên quan đến huyện Tủa Chùa
    2031-2040 of 3693<  ...  199  200  201  202  203  204  205  206  207  208  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website