Sáng 12/6/2022, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Điện Biên năm 2021, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI năm 2022. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Tham dự tại điểm cầu huyện Tủa Chùa có đồng chí Vùi Văn Nguyện - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hoàng Tuyết Ban - Chủ tịch UBND huyện.
Ảnh toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu huyện Tủa Chùa
Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tỉnh Điện Biên đang có sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, một số chỉ tiêu có sự phát triển bứt phá. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,01%, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 9 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt 24,25% dự toán. Các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn còn có điểm tồn tại, hạn chế. Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh đạt 61,86 điểm (giảm 0,76 điểm), giảm 07 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 53 trên bảng xếp hạng toàn quốc, xếp thứ 10/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. So với năm 2020, trong 10 chỉ số thành phần có 02 chỉ số tăng cả điểm và xếp hạng (tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự); 02 chỉ số tăng điểm nhưng giảm xếp hạng (tính năng động và tiên phong của chính quyền; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); 02 chỉ số giảm điểm nhưng tăng xếp hạng (gia nhập thị trường và đào tạo lao động); 04 chỉ số giảm cả điểm và xếp hạng (tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng).
Tại hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá, khuyến nghị để giúp tỉnh có những giải pháp đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đi sâu vào phân tích các chỉ số thành phần, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thân thiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các ngành được phân công chủ trì triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện bộ chỉ số PCI cần tiếp thu, phân tích cụ thể từng chỉ số, từng tiêu chí đánh giá; đề ra những giải pháp cụ thể, phân công tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm làm đầu mối để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở theo phân cấp quyền hạn và chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công khai, minh bạch dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin, thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận và xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua việc tổ chức gặp mặt định kỳ và các kênh tiếp nhận thông tin khác; thực hiện các cơ chế, chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19./.