Ngay sau khi có Chỉ thị số 40/-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. UBND huyện Tủa Chùa đã ban hành văn bản số 275/UBND-NHCSXH về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, chính quyền, mặt trận tổ quốc và hội đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã được chú trọng hơn nhất là việc chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong việc thực hiện tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả phối hợp thực hiện đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cấp ủy Đảng các cấp đã có nghị quyết chỉ đạo chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung nguồn lực, ưu tiên phối hợp và tạo môi trường làm việc tốt nhất cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH trên địa bàn toàn huyện.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh xã hội của địa phương; đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Bố trí Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện (HĐQT NHCSXH); quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đố tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện.
Mặc dù là một huyện nghèo, song hàng năm UBND huyện Tủa Chùa đều quan tâm dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Trong giai đoạn 2014-2019 tổng số tiền chuyển sang là 915 triệu đồng, lũy kế số tiền đã chuyển từ khi thành lập Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện (PGD NHCSXH) là 1 tỷ 250 triệu đồng. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của UBND huyện phối hợp với PGD NHCSXH huyện trong các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 300 tỷ 900 triệu đồng, bình quân mỗi năm tăng 26 tỷ 188 triệu đồng. Trong đó bao gồm nguồn vốn cân đối từ Trung ương; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất; nguồn vốn nhận ủy thác địa phương.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân thuộc đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay, tạo sự chuyển biến trong công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện và thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối tượng chính sách hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân với mục tiêu đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận vốn vay, được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH; góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức; sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với các hoạt động dịch vụ ủy thác của tổ chức chính trị xã hội, nhất là đối với tổ chức hội cấp xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và có trách nhiệm trả lãi, trả nợ đúng hạn.
Với phương châm cho vay không vì mục đích lợi nhuận, nguồn vốn của NHCSXH huyện đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thuộc diện chính sách có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Để tránh tình trạng bà con sử dụng vốn sai mục đích, trước khi đưa vốn về cho bà con, Ban đại diện - Hội đồng quản trị (BĐD - HĐQT) huyện luôn chỉ đạo Ban giảm nghèo các xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phải thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng chính xác, trên cơ sở công khai, dân chủ có sự bàn bạc thống nhất từ Ban quản lý thôn và sự tham gia của Nhân dân. Khi nguồn vốn đã đến tay người dân, Ban giảm nghèo các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để các hộ nghèo mạnh dạn đầu tư đồng vốn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, BĐD - HĐQT các huyện còn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để cùng Ban giảm nghèo các xã, các tổ, nhóm vay vốn phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng, phân loại đối tượng để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp, nhờ vậy đã hạn chế được nhiều thiếu sót trong hoạt động cho vay.
Hiện nay, PGD NHCSXH huyện Tủa Chùa đang thực hiện 15 chương trình cho vay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2019 là gần 300 tỷ 400 triệu đồng, tỷ lệ tăng trên 77% so với 31/12/2014. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 400 tỷ đồng, với gần 12 nghìn 100 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn huyện đã được vay vốn; trong đó 5.708 lượt hộ nghèo, 250 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 1.484 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; đầu tư xây dựng 1.974 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp 130 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ... 343 lao động tạo được việc làm, có 12 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; 253 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn thực hiện ước mơ được học đại học.
Một ngày cuối tháng 7 năm 2019, chúng tôi về xã Mường Đun, mặc dù trời mưa, nhưng từ sáng sớm, những cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tủa Chùa đã có mặt để chuẩn bị phiên giao dịch tại xã theo đúng định kỳ. Phiên giao dịch cũng không vì mưa mà thưa thớt, nhiều người dân đến từ sớm cùng các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng các hội, đoàn thể mong đến giờ giải ngân để nhận tiền về hiện thực hóa ước mong phát triển kinh tế của gia đình.
NHCSXH huyện giải ngân tại xã Mường Đun
Vốn là một hộ nghèo của Đội 7, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, cuộc sống của gia đình anh Lò Văn Đoàn cũng gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Năm 2012, anh Đoàn được vay vốn chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tủa Chùa qua tổ chức hội nông dân. Với số vốn được vay là 30 triệu đồng, anh Đoàn đã đầu tư vào nuôi gia súc và gia cầm … Đến năm 2015, nhờ nguồn vốn vây gia đình anh Đoàn đã thoát được hộ nghèo sang hộ cận nghèo, gia đình đã trả số vốn vay 30 triệu và vay lại 40 theo nguồn cho vay hộ cận nghèo, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố. Đến nay gia đình tiếp tục vay 100 triệu của NHCSXH huyện làm thêm dịch vụ thu mua trâu, bò về vỗ béo rồi xuất bán, anh Đoàn chia sẻ thêm; Tôi đã thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình ổn định, cải thiện được thu nhập từ những đồng vốn ban đầu từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Đây cũng là cơ sở, là nền tảng để gia đình tôi tiếp tục xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Anh Lò Văn Đoàn chăm sóc đàn trâu
Thời gian tới, các Cơ quan, tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền của huyện Tủa Chùa tiếp tục quan tâm thực hiện phổ biến, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó phát huy có hiệu quả Ban đại diện Hội đồng quản trị tăng cường sự lãnh đạo trong thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội; Tập trung huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân; tranh thủ nguồn vốn cân đối từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Có thể khẳng định, thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch.