Cụ thể hóa Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tủa Chùa, Nghị định Chính phủ, các nghị quyết, Quyết định của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, UBND huyện xây dựng chương trình hành động Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Tủa Chùa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Trong những năm qua, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, người dân tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai, tài nguyên, nhân lực lao động và kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của đồng bào các dân tộc trong huyện Tủa Chùa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn lực của Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo và chủ động nguồn nước giúp người dân khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang sản xuất lúa ruộng. Chuyển đổi từ sản xuất trên nương xuống ruộng giúp nông dân canh tác bền vững, có thu nhập ổn định, bảo vệ được rừng. Các nguồn lực từ Chương trình 135/CP, xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a... Nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, trồng rừng, hỗ trợ cây giống, con giống, máy móc phương tiện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch cho hộ nghèo, cận nghèo đã giúp nhiều hộ dân nâng cao sản lượng, tăng thu nhập, nhiều thôn bản đã giảm nghèo bền vững.
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Tủa Chùa năm 2018 đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản lượng lương thực đạt 23.243 tấn, tăng 911 tấn so với năm 2017. Chăm sóc bảo vệ tốt 596 ha chè, trong đó có 7.933 cây chè cổ thụ. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện ước đạt 331.596 con, đạt 101% kế hoạch. Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đều vượt kế hoạch. Nông dân các xã: Tả Phìn, Xá Nhè, Mường Đun, Mường Báng... khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi sản luất lúa ruộng bền vững. Chè cây cao tại các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn đang được thị trường ưa chuộng tiêu dùng. Nông dân một số thôn bản tại các xã: Tủa Thàng, Huổi Só, Sín Chải khai thác mặt nước lòng hồ Thủ điện Sơn La mở rộng ngành nghề (vận tải đường thủy, đánh bắt thủy sản) tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Với mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản bền vững, đời sống người dân không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm nhanh bền vững, huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả sử dụng đất trồng lúa đến năm 2020. Trong đó, diện tích lúa mùa 2.080ha; lúa chiêm 680ha, năng suất lúa bình quân 60,3 tạ/ha. Diện tích ngô 5.000ha, sản xuất ngô hàng hóa tối thiểu 600ha. Huyện quy hoạch sản xuất rau tập trung tại các xã: Mường Báng, thị trấn Tủa Chùa, Sính Phình. Đến năm 2020 toàn huyện có 150 ha đất sản xuất chuyên trồng rau. Phát triển cây chè theo quy hoạch, xây dựng mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân, nâng cao chất lượng sản xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Dự kiến đến năm 2020 diện tích chè đạt 600ha, sản lượng chè búp tươi 150 tấn, chè khô 30 tấn. Chăn nuôi trâu sẽ tập trung tại các xã: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Trung Thu, Lao xả Phình, Sính Phình, Mường Báng, tổng đàn trâu dự kiến đến năm 2020 là 14.500 con. Chăn nuôi bò tập trung các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng... Phát triển thủy sản nuôi trồng tập trung tại các xã: Xá Nhè, Mường Đun, đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thủy điện sông Đà được thực hiện tại một số thôn bản của các xã: Tủa Thàng, Huổi Só, Sín Chải.
Huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài huyện đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững. Đào tạo nghề cho nông dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch của huyện và chỉ đạo hướng dẫn của tỉnh, Trung ương phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Có nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện hiệu quả, Tủa Chùa đang hướng tới đưa nghị quyết Đảng bộ các cấp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đi vào đời sống.
Người dân bản Sín Sủ 2, xã Xá Nhè khai thác nguồn nước từ công trình thủy lợi được đầu tư nuôi trồng thủy sản
Nông dân xã Sính Phình khai hoang, cải tạo đất nương sản xuất lúa ruộng, canh tác bền vững
ảnh số 3: Chè cây cao ở xã Sín Chải được khai thác trở thành sản phẩm hàng hóa, từng bước chiếm lĩnh thị trường
Được đầu tư công trình thủy lợi, chủ động đảm bảo nguồn nước, giúp người dân xã Tả Phìn chuyển đổi sang gieo cấy lúa ruộng, hạn chế tình trạng phá rừng sản xuất
ảnh số 5: Mô hình chăn nuôi gà theo hướng sản phẩm hàng hóa, theo nhu cầu thị trường được nhân rộng tại nhiều thôn bản xã Mường Báng