• Tủa Chùa miền đất hứa
  • Thời gian đăng: 14/01/2019 05:46:16 PM
  • Tủa Chùa, miền đất dịu ngọt của bao làn điệu sáo Mông và tràn đầy những sắc thái văn hoá đa hợp của cộng cư các dân tộc ở nơi đây. Là nơi cư trú của 7 dân tộc gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 67,28 %, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mông. Đến với Tủa Chùa, ta cảm nhận được nét đặc sắc của những phiên chợ vùng cao, đó là cái không khí rộn ràng của tiếng cười nói, cái rực rỡ lấp lánh của sắc màu váy áo, là sự bày biện đơn sơ mà hấp dẫn những mặt hàng nông thổ sản do đồng bào các dân tộc làm ra.
  • Không thực sự được nhận ưu đãi từ thiên nhiên, nhưng chính trong cái trắc trở của địa hình, sự đỏng đảnh của khí hậu, người dân Tủa Chùa đã được mài giũa để trở thành những người con cần cù, sáng tạo. Nhờ vậy mà từ lâu, những sản vật quen thuộc của Tủa Chùa được nhiều người biết đến như “rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà chạy bộ”… từ lâu đã trở thành món quà quý chẳng ai có thể quên trong những chuyến đi xa. Vượt qua những chặng đường dài, nó đã trở thành đại sứ cho tấm lòng thơm thảo của đất và người Tủa Chùa, góp phần đem lại diện mạo mới cho quê hương.

    Năm nào cũng vậy, khi cái lạnh còn đặc quánh cả không gian khiến mọi thứ như ngưng đọng lại, thì cũng vào thời khắc ấy của đất trời, những cành đào khẳng khiu bỗng hé nở những nụ hồng; những cành mơ, cây mận phút chốc đã ánh lên màu trắng trong tinh khiết và cả những cánh rừng rộng lớn, điệp trùng của Tủa Chùa bỗng chốc đã phủ trắng hoa ban khiến trong ta như choáng ngợp, như ngất ngây trước sự kỳ diệu của thiên nhiên…để rồi khi ấy, ta nghe trong giá lạnh mùa Đông một tiếng thì thầm sâu thẳm trong không gian: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”!... Những lời hát giao duyên thật say đắm mặn nồng cùng những trò chơi dân gian độc đáo, sôi động, hấp dẫn, đầy trí tuệ được kết tinh từ quá trình lao động sản xuất; từ sự đoàn kết chống thiên tai, địch họa bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống cộng đồng của các dân tộc luôn mộc mạc đầy hứng khởi và đậm đà bản sắc đang là những mảng đời tươi rói góp mặt với mùa xuân đầy sức sống và rực rỡ sắc màu ở xứ sở “Hoa lê” huyền thoại, trong tiến trình hội nhập và phát triển của dân tộc, của đất nước và quê hương hôm nay.

    S-ng-Hu-i-S-.jpg 

    Bến sông xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa

    Từ thị trấn Tủa Chùa trên trục huyện lộ Mường Báng - Xá Nhè - Mường Đun - Tủa Thàng - Huổi Só khoảng trên 50 km theo hướng Đông Bắc và ngược lại theo hướng Tây Nam, trục tỉnh lộ Sín Chải - Tả Sìn Thàng - Tả Phìn - Trung Thu - Sính Phìn - thị trấn Tủa Chùa, với địa hình núi thấp và cao nguyên đá vôi khiến Tủa Chùa vừa có những cánh đồng nhỏ nhắn, bằng phẳng vừa có những thửa ruộng bậc thang cheo leo hút mắt. Con sông Đà cùng dòng Nậm Mức như chiếc vành đai mềm mại nối kết Tủa Chùa với các huyện bạn như Tuần Giáo, Mường Chà, đồng thời là ranh giới tự nhiên phân cách tỉnh nhà với Lai Châu, Sơn La. Cũng trên miền không gian ấy ta sẽ gặp rất nhiều những bản của đồng bào các dân tộc như người Mông, Thái, Dao, Xạ Phang sống xen ghép. Bản đông vui hợp thành bởi những ngôi nhà rộng, mái ngói rêu phong, nằm bình lặng trong những khu vườn bên sườn đồi, thoáng đãng dưới những tán cây ăn quả cổ thụ rợp bóng mát, khiến mỗi người khi tới đây đều có chung một cảm giác như đang được sống trong khung cảnh của những bản cũ thủa xa xưa. Đó chính là vùng đất của quê hương Tủa Chùa. Những bản đẹp nguyên sơ, đầy sức lôi cuốn, hấp dẫn trí tưởng tượng của bao người và đó cũng chính là nguồn cảm hứng để ai đó viết lên những lời đẹp như thơ:

                         Đường xanh thắm hàng cây

                           Bản ken dầy mái ngói

                           Con gái bản mắt nhìn như biết nói

                           Và nụ cười bông ban gọi mùa xuân.

    Tủa Chùa thanh sơ, hồn hậu, nơi cho ta vị ngọt hậu của chè Tuyết Shan, vị thơm nồng của những chén rượu Mông pê và cả những háo hức của buổi hội còn ngày tết về với những quả pao chao liệng dưới bầu nắng xuân, với tiếng sáo gọi bạn thiết tha, bổi hổi…

    Trải qua những năm tháng nỗ lực phấn đấu bền bỉ của đất và người Tủa Chùa cùng với hành trang của vùng đất cách mạng khi xưa Tủa Chùa hôm nay đổi mới và đi lên, đang vững bước trên con đường phát triển, tạo ra vóc dáng của một đô thị văn minh hiện đại. Tủa Chùa miền đất đẹp lung linh trong ký ức mỗi người sẽ tiếp tục vượt qua mọi thách thức để vươn tới tầm cao mới sao cho xứng danh “mảnh đất anh hùng” trong công cuộc xây dựng đất nước đẹp giàu. Tủa Chùa mảnh đất mến yêu ấy khiến mỗi chúng ta thực sự thấm thía quy luật của sự gặp gỡ, đồng điệu.

    Đến Tủa Chùa hôm nay, ngoài việc được đắm mình trong không gian khoáng đãng, bầu không khí trong lành, thưởng thức nghề làm thổ cẩm của chị em phụ nữ mà tay nghề đã ở mức điêu luyện, sản phẩm đã ở trình độ nghệ thuật, chúng ta sẽ còn được thưởng thức tài nghệ nấu nướng của những “Đầu bếp” tuyệt vời với những món ăn được coi là “Đặc sản” nổi tiếng trong vùng như, cá nướng, thịt sấy, rau rừng hấp, rượu Mông pê, rượu thóc... do chính tay những người dân trong bản chế biến và nấu nướng. Đặc trưng các món ăn của người dân tộc ở Tủa Chùa nói chung là thức ăn được nướng chín bằng than củi hoặc cho vào chõ đồ chín sau khi đã pha chế các gia vị cần thiết như mắc khén, muối, bột canh, rau thơm... Thức ăn nướng giữ được các chất bổ dưỡng mà mùi vị lại thơm ngon. Về rau, có các loại rau rừng như, rau ngà voi hái lấy búp non, rửa sạch cho vào chõ đồ xôi đồ chín. Hoa chuối rừng có thể làm nộm với măng cây giềng, cũng có thể giã nát trộn với thịt cá, bột gạo, có gia vị là mắc khén, thì là và nấu chín ăn rất ngon và bổ dưỡng.

     Ngày nay, cuộc sống đang phát triển theo hướng hiện đại hơn nhưng ở miền đất thơ mộng này, văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn đang tỏ rõ sức sống mãnh liệt, vẫn đang được vang lên từ lớp nam nữ diễn viên tuổi đời còn rất trẻ. Những điệu múa bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất khẩn trương vẫn được tất cả các thế hệ người cùng nhau luyện tập, biểu diễn say sưa trong những ngày hội bản. Những tiếng nhạc của Sáo, Pí, Kèn môi, Kèn lá…do nghệ nhân từ các bản trình diễn vẫn vang lên réo dắt trong không gian yên bình làm lòng người thêm thư thá

    Nhạc khí trong âm nhạc của người dân ở Tủa Chùa nói chung, hiện nay vẫn đang sử dụng có khá nhiều loại: Bộ hơi có sáo, pí, khèn. Bộ dây có tính tẩu, nhị; Bộ gõ có trống, chiêng, thanh la... Nhìn chung nhạc cụ dân tộc có cấu trúc đơn giản, cấu tạo từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên nhờ bàn tay khéo léo và năng khiếu của người yêu âm nhạc tạo thành. Và mỗi loại nhạc cụ lại được sử dụng cho một thể loại như xòe tập thể thì dùng trống, chiêng; hát đơn ca, tốp ca hoặc múa các điệu truyền thống thì đệm sáo, nhị, tính tẩu... ngoài ra nhạc cụ còn có thể dùng để độc tấu, song tấu hoặc hòa tấu mang lại hiệu quả cao, cả về chất lượng và nghệ thuật. Trong thực tế những nhạc cụ đó giữ một vai trò rất quan trọng để thể hiện thành công một tác phẩm nghệ thuật múa hát.

    Hòa nhịp với khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” và nhiệm vụ xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhân dân các dân tộc huyện Tủa Chùa đang đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, đẩy mạnh sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng đời sống mới hiện nay. Tủa Chùa đã, đang và sẽ vươn mình thức dậy từ những chăn trở một miền đất khó nhưng thấm đậm bản sắc truyền thống của một nền văn hóa dân tộc được kết tinh từ ngàn đời đó là: Đoàn kết, cần cù, kiên cường và sáng tạo khiến ai đó đã đến đây một lần đều nhớ về Tủa Chùa:

                  Ta về Tủa Chùa quê ta

                 Chung câu “hát đối” say sưa rượu nồng

                 Lời ca tiếng nhạc vang ngân

                 Để nơi đây mãi mùa xuân ấm nồng

                 Để vòng xòe, ngọn lửa hồng

                 Để trong anh một nỗi lòng nơi em!

    Và cứ thế một nền văn hóa vĩnh cửu, một sức sống mới năng động của một cộng đồng người, sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng, thời gian. Nó in đậm tình cảm gắn bó, đoàn kết yêu thương trong cộng đồng từ bao đời nay. Nó như một niềm đam mê, giàng ríu biết bao điều riêng chung tốt đẹp của con người. Để mỗi độ xuân về nó lại cùng đắm mình trong tình xuân của lễ hội, tạo nên bản sắc và những nét văn hóa độc đáo cho Tủa Chùa mãi rực rỡ sắc màu, cho quê hương thêm căng tràn sự sống.

    Ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển, Tủa Chùa vẫn đang hiện hữu trong đời sống muôn vẻ của người dân nơi đây, vẫn luôn nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng, nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống mà cha ông ta để lại với ước mong nó mãi mãi là những nét văn hóa riêng có, một nét xuân rực rỡ sắc màu và là nguồn lực nội sinh to lớn cho Tủa Chùa vững bước đi lên.

  • Nguyễn Hữu Điển, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy
  • Các tin khác:
    Thị trấn chú trọng tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng
    Tủa Thàng tổ chức Đại hội Hội Khuyến học lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029
    Hội nghị tuyên truyền về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
    Huyện Tủa Chùa tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2024
    Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên xã Sín Chải lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
    Hội LHPN huyện Tủa Chùa tiếp nhận kinh phí làm nhà cho phụ nữ nghèo
    Tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến hết hiệu lực thi hành
    Đoàn công tác Tiểu ban quản lý Dự án Bạn hữu trẻ em ngành Y tế tỉnh Điện Biên làm việc với huyện Tủa Chùa
    Họp Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tủa Chùa lần thứ IV, năm 2024
    Phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" ở thị trấn Tủa Chùa
    271-280 of 3423<  ...  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Di tích “thành cổ Vàng Lồng” - một công trình lịch sử
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website