Để khai thác tiềm năng lợi thế trong phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, huyện Tủa Chùa đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cải tiến phương thức chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục thực hiệnđầu tư quy hoạch chăn nuôi tập trung, tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Anh Vừ A Sà đang chăm sóc đàn trâu, bò của gia đình.
Tủa Chùa có tổng đàn gia súc gia cầm trên 356.000 con, trong năm 2022, huyện đã cấp phát gần 51.000 liều vắc xin thực hiện tiêm phòng định kỳ vụ xuân hè và thu đông. Trong những năm qua, để đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi thì công tác tiêm phòng cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Hằng năm, công tác tiêm phòng bệnh Lở mồm, long móng, Tụ huyết trùng và phun tiêu độc khử trùng đều thực hiện 2 lần/năm. Nhờ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nên đàn gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện chỉ xuất hiện một vài bệnh nhỏ phổ biến và được khống chế kịp thời, không phát sinh thành dịch.Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển đàn gia súc, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào thực tế.
Qua tìm hiểu thực tế tại các xã thuộc vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi của huyện Tủa Chùa như Mường Báng, Mường Đun, Huổi Só, Lao Xả Phình, Tủa Thàngcó thể thấy người dân luôn coi chăn nuôi gia súc là một trong những cách để cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó cùng với việc hỗ trợ về giống, vốn, huyện tích cực vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tổ chức xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh; thực hiện trồng cỏ chuyên phục vụ cho chăn nuôi gia súc để đảm bảo nguồn cung thức ăn, đặc biệt là trong mùa đông nhằm bảo vệ đàn gia súc tốt nhất. Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa cho biết: “Xác định rõ tiềm năng lợi thế của xã Tủa Thàng cũng như những khó khăn thách thức phải đối mặt trong việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Xã đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để chăn nuôi gia súc trên địa bàn thực sự là một trong những mũi nhọn mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giúp người dân từ bỏ tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy trình, kỹ thuật; lồng ghép các nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển chăn nuôi”
Phát huy vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ, những năm qua, cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế” được tuổi trẻ huyện Tủa Chùa tích cực thực hiện, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, trong đó có nhiều mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm.Để thu hút thanh niên tham gia phát triển kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, Huyện đoàn Tủa Chùa đã phối hợp cùng với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn, liên kết đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm cho thanh niên…
Trang trại chăn nuôi gia súc của gia đình anh Vừ A Minh, ở thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Anh Vừ A Minh, Thôn Từ Ngài 1, xã Mường Bángchia sẻ: “Những ngày đầu khi mới phát triển mô hình này, anh cùng gia đình phải tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, quy trình chăm sóc, cách phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc của tôi có 12 con trâu, bò và hàng trăm con dê, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn”.
Để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và bền vững, huyện Tủa Chùa tiếp tục quy hoạch vùng nuôi, gắn với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô đầu tư vào chăn nuôi. Vận động người dân tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, để từng bước xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập./.