Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong những năm qua, Trung tâm GDNN – GDTX huyện đã đẩy mạnh và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều lao động trên địa bàn huyện được tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Lao động nông thôn ở huyện Tủa Chùa ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất hiệu quả
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và Quyết định số 3685/QĐBNN ngày 29/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ngày 29/9/2023 về việc phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cụ thể với từng nhóm đối tượng học nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Qua đó, Trung tâm GDNN – GDTX huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến tận 120 thôn, bản, TDP các nội dung liên quan đến văn bản hướng dẫn mới của Chính phủ, của tỉnh, của huyện về hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho. Với hình thức tuyên truyền chủ yếu như phát bản tin thông qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã, đồng thời phối hợp lồng ghép thông qua các hội nghị về chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; cung cấp tờ rơi, tổ chức đối thoại trực tiếp... Đồng thời thực hiện tốt việc phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện cùng với các đơn vị trên địa bàn tỉnh làm công tác đào tạo nghề. Thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt tư vấn, vận động người dân tham gia học nghề, tư vấn miễn phí cho nông dân về học nghề, việc làm, thành lập các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đây, đã giúp người lao động nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các lớp học nghề, nâng cao năng lực lao động để có việc làm, giảm thời gian nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó Trung tâm GDNN – GDTX cũng tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và UBND huyện trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Đồng thời bổ sung đội ngũ giáo viên cho trung tâm tham gia dạy nghề, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đạt chuẩn. Với những nghề không có giáo viên cơ hữu, thì mời cán bộ, giáo viên của Trường Cao đẳng nghề tỉnh Điện Biên, cán bộ của Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tham gia giảng dạy. Công tác chiêu sinh, tổ chức lớp học, bố trí thời gian học được thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện cho các lao động tham gia học nghề một cách thuận lợi. Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Đến nay công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt được kết quả đáng ghi nhận và có sự chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 trung tâm đã mở được 32 lớp học nghè cho lao động nông thôn. Tỉ lệ lao động sau khi học nghề phi nông nghiệp tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định đạt từ 75 - 80%. Điển hình như: Nghề kỹ thuật sửa chữa xe máy với hơn 120 người, có việc làm và thu nhập ổn định; các nghề nông nghiệp như: Kỹ thuật Chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt…tỉ lệ và hiệu quả sau khi được học nghề chiếm trên 90%, hiện đang duy trì tốt và là cơ sở để tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế gia đình của lao động nông thôn. Hầu hết lao động sau khi được đào tạo các lớp nghề nông nghiệp đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Một số lao động đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tăng quy mô sản xuất để tạo việc làm và cho thu nhập ổn định từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện, thời gian tới, Trung tâm GDNN – GDTX tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở, doanh nghiệp về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề; tổ chức dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất để có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng dạy nghề cho người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng khó. Qua đó góp phần quan trọng cùng các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn gắn với các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.