Nhằm Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, ngày 10/7/2024 UBND huyện Tủa Chùa ban hành quyết định 3293 về việc mở Lớp truyền dạy nghề đan lát của người Khơ Mú trên địa bàn.
Khảo sát, vận động nghệ nhân Lò Văn Dọn (áo xanh) và Quàng Pờ Lâu mở lớp truyền dạy nghề đan lát của dân tộc Khơ Mú tại thôn Pú Ôn, xã Mường Báng
Người Khơ Mú nổi tiếng với các sản phẩm nghề thủ công đan lát truyền thống. Các sản phẩm chủ yếu là: Rần, sàng, mẹt, rổ, rá, mâm cơm, ghế mây, lu cở, gùi, tá, sọt, bung gánh, đếp, cót phơi thóc, liếp ép tường, bồ đựng thóc, quạt thóc, bồ thóc, xoỏng đựng kim chỉ, ếp khẩu, coóng khẩu, đồ đựng, phương tiện vận chuyển, công cụ sản xuất, dụng cụ đánh bắt (giỏ, nơm, đó, sa...) và một số vật dụng để thực hành nghi lễ.
Mỗi sản phẩm có cách pha chế vật liệu và cách đan khác nhau, người Khơ Mú sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác biệt. Đan mâm dùng kỹ thuật xâu xiên là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba. Không chỉ có những kỹ thuật đan lát cổ truyền, người Khơ Mú cũng như các dân tộc thiểu số khác họ khai thác tre nứa vào mùa khô nhưng họ sở hữu các kỹ thuật chế biến nguyên liệu vô cùng phong phú, chẳng hạn như chỉ những ngày cuối tháng, không có trăng vì “tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị mọt”. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Tre, nứa luôn chẻ từ ngọn xuống gốc còn chẻ mây lại từ gốc lên ngọn.
Nghề thủ công đan lát truyền thống của người Khơ mú không chỉ đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho đồng bào, đây cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể mà huyện Tủa Chùa quan tâm sâu sắc trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển./.