Vậy vì sao lại phải có chính sách BHYT: “BHYT là một giải pháp tạo ra công bằng trong CSSK, góp phần giảm nghèo đói. Sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật tất yếu, không một ai thoát khỏi quy luật này. Ai cũng có một thời trẻ, khỏe mạnh, nhưng rồi ai cũng phải già và chết và thường chết do bệnh tật. Bệnh tật là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến rủi ro trong cuộc sống; bệnh tật có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ nơi nào và khi nào, mang lại những hậu quả không dự đoán được về nhiều mặt (cả về sức khỏe cũng như về mặt kinh tế, xã hội, đặc biệt là nghèo đói). Lúc trẻ trai và khỏe mạnh thì có sức khỏe để tự mưu sinh, nhưng lúc mắc bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, hay lúc về già, khả năng lao động kém, dễ ốm đau thì thu nhập sẽ giảm sút. Vì vậy một câu hỏi đặt ra với mọi người là những lúc như vậy lấy nguồn tiền nào để khám chữa bệnh (KCB). Phần đông người bệnh đều có nỗi lo về tính mạng của mình trước bệnh tật, nhưng kèm theo một nỗi lo không kém nặng nề là lo tiền để chữa bệnh. Xét trên phương diện của từng cá nhân hay từng hộ gia đình, thì chi phí cho CSSK nói chung và KCB nói riêng sẽ là một khoản chi rất lớn so với thu nhập tính trên đầu người. Vì vậy ngoài việc làm mất sức lao động và gây ra nghèo đói, bệnh tật còn làm cho nghèo đói do chi phí cao cho KCB, mà mỗi một cá nhân hay mỗi hộ gia đình khó vượt qua nổi; nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo muốn KCB phải đi vay nợ và sau đó chỉ có nghèo hơn” Cũng chính vì vậy mà chúng ta cần trang bị cho mình bảo hiểm y tế.
Tại Việt Nam, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Ngày 14-11-2008 Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Khái niệm BHYT được hiểu là: “BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực CSSK, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm phải tham gia theo quy định của Luật BHYT”. Nói cụ thể hơn, đó là một cách dành dụm một khoản tiền trong số tiền thu nhập hàng tháng của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào Quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý nhằm mục đích giúp mọi thành viên tham gia Quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSK khi người tham gia không may ốm đau phải sử dụng các dịch vụ đó, mà không phải trực tiếp trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), cơ quan BHXH thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT.
Người dân huyện Tủa Chùa tham gia khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế
Để nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế, ngày 01/7/2019, UBND huyện Tủa Chùa đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế năm 2019, cụ thể hoạt động tuyên truyền diễn ra từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2019 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm y tế tiến tới mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, UBND huyện yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHXH tại các cơ sở khám chữa bệnh; Chỉ thị số 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về các giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thức hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh. Đồng thời, UBND huyện cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước về Bảo hiểm y tế bằng nhiều hình thức:Tổ chức treo các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về BHYT với các thông điệp truyền thông chủ yếu sau:
- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để đạt tới mực tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân;
- Tham gia bảo hiểm y tế chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng;
- Thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình;
- Thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững;
- Tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng.