• Nâng cáo chất lượng xây dựng và phát triển nền văn hóa theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở Tủa Chùa
  • Thời gian đăng: 14/01/2019 05:26:54 PM
  • Di sản văn hoá nhân loại nói chung, di sản văn hoá phi vật thể nói riêng là tâm hồn cốt cách dân tộc, là báu vật vô cùng thiêng liêng không thể thiếu trong sự tồn vong hay phát triển của dân tộc ấy. Không vì lẽ gì khác mà chúng ta có thái độ thờ ơ, lãnh đạm, để mặc, tất yếu sẽ dẫn đến rơi vãi, mất mát mà cần phải được trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Tạo cơ hội cho nó phát huy giá trị đích thực trong đời sống cư dân các dân tộc. Đây không phải công việc một sớm, một chiều, là trách nhiệm của ngành văn hoá thông tin, mà là lâu dài và của các cấp, các ngành và mọi người chúng ta.
  • Nhưng một điều hiển nhiên đó là mức độ ảnh hưởng giao thoa văn hoá trong lòng sự vận động tự nhiên của xã hội, có khi đã vô tình đánh mất nhiều di sản vốn có đã kết tinh từ đời sống thực tại ngay giữa cộng đồng xã hội, mà người dân Phù Lá ở bản Kép, xã Mường Đun là một ví dụ sinh động.

    Một nhận xét khách quan đó là những nghệ nhân, người am hiểu về loại hình di sản văn hoá phi vật thể ở Tủa Chùa còn rất khiêm tốn, mức độ am hiểu hạn hẹp, khả năng trình diễn và truyền dạy di sản có hạn chế, thái độ và cách ứng xử của nhiều người dân đối với nền văn hoá chính dân tộc mình còn thờ ơ, chưa đủ ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền cho thế hệ tiếp sau.

    Với các điều kiện về địa lý - tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hoá truyền thống, trên trục không gian địa lý ấy, chứa đựng cả một miền thời gian với vô kể những di sản văn hoá riêng có của cư dân nơi đây. Được hun đúc, chắt lọc, kết tinh, gìn giữ, lưu truyền qua bao thăng trầm, biến cố của dòng chẩy lịch sử một vùng đất mà cộng cư 7 dân tộc cùng chung sống từ bao đời.

    Để nói đầy đủ về bản sắc văn hoá một vùng đất quả là khó, trong phạm vi có thể bài viết này chỉ khái quát một cách tổng quan dưới góc nhìn người quản lý các hoạt động và loại hình di sản cơ bản trên địa bàn huyện.

    Tủa Chùa là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Điện Biên, tuy đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, chênh lệch song đều có truyền thống cách mạng, yêu quê hương, đất nước, có tinh thần đoàn kết, gắn bó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có những đóng góp lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc: kho tàng văn hóa, nghệ thuật phong phú đa dạng, có di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội dân tộc truyền thống, nhiều phong tục tập quán cổ truyền còn được lưu giữ, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tốt đẹp của các dân tộc được khôi phục phát huy.

    Di-t-ch-Danh-lam-th-ng-c-nh-Kh-Chua-La-X-Nh-T-a-Ch-a.jpg

    Di tích cấp Quốc gia danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa

    Trong những năm gần đây, huyện tiếp tục có những bước phát triển mới về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự quan tâm sâu sát, ban hành nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Tuy nhiên, cái khó của Tủa Chùa đó là: Địa bàn huyện khá rộng, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ. Tỷ lệ nghèo cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các dân tộc, các vùng, trong cộng đồng các dân tộc còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển văn hóa còn nhiều hạn chế. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Nhận thức việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của một số đảng viên, nhân dân còn hạn chế. Một số di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh, lễ hội, phong tục, nếp sống… của các dân tộc chưa được khai thác, phát huy giá trị.

    Song song với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tích cực triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến tận thôn bản, tổ dân phố, các cộng đồng dân cư trong toàn huyện. Các hoạt động hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên, liên tục, mỗi năm diến ra từ 2 đến 3 hội thi, hội diễn và hàng trăm buổi biểu diễn từ huyện đến cơ sở, hàng trăm làn điệu dân ca, dân vũ được khơi dậy, bảo tồn và phát huy, có 4 lễ hội truyền thống được khai thác, bảo tồn.Qua đó các giá trị văn hóa độc đáo như trang phục, trang sức, phong tục, tập quán tốt đẹp có tính giáo dục cộng đồng, giáo dục con cháu được khôi phục giữ gìn. Thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa.  

    Trong những năm qua, công tác giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa và văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt là giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các dân tộc trong huyện. Cấp ủy huyện đã chỉ đạo tổ chức sưu tầm biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Tủa Chùa (Tập 1 giai đoạn 1955-2005) ghi nhận lịch sử phát triển của Đảng bộ huyện qua từng giai đoạn cách mạng từ khi được thành lập đến năm 2005, làm tư liệu quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh vẻ vang của cha anh.

    Văn hóa các dân tộc, nhất là dân tộc ít người đã, đang được khai thác, sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc để bảo tồn, nâng cao và đưa vào phục vụ nhân dân, chú trọng triển khai thực hiện việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc qua sách, bản tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng đến từng bản làng. Khuyến khích việc học chữ Thái, chữ H’Mông đối với con em các dân tộc.

    Đã thực hiện các kế hoạch điều tra, nghiên cứu truyền thống văn hóa các dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hoa… Xây dựng, tôn tạo các di tích văn hóa như hang động Xá Nhè, Khó Chua La, địa danh lịch sử nơi thành lập chi bộ Tủa Chùa (18/10/1955) ở xã Tủa Thàng. Bảo tồn 5 làn điệu hát dân ca Mông Đơ xã Trung Thu, điệu hát ru Mông Sua xã Sính Phình, lối hát kể dân tộc Phù Lá xã Mường Đun và các lễ hội dòng họ ở Sính Phình, Tả Sìn Thàng.

    Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trên địa bàn huyện đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc, đảm bảo sự đa dạng của văn hóa các dân tộc trong huyện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, là động lực thúc đẩy việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém đó là: Việc cụ thể hóa Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của huyện còn một số hạn chế. Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức, chưa gắn việc lãnh đạo, phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng với lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa; công tác quản lý, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống chưa được quan tâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng ở một số nơi làm chưa tốt. Do đó, một bộ phận nhân dân mất bị lôi kéo hoạt động tuyên truyên đạo trái phép, bỏ bàn thờ tổ tiên, di cư tự do, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi và các hủ tục lạc hậu vẫn còn diễn ra. Môi trường văn hóa tuy đã được xây dựng, nhưng phát triển không đồng đều, chất lượng còn thấp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Vì vậy tình trạng nghèo nàn về đời sống vật chất tinh thần ở vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các khu vực, các dân tộc, giữa các tầng lớp nhân dân trong huyện còn khoảng cách lớn. Các hoạt động văn hóa thông tin, báo chí, văn nghệ, thể dục thể thao tuy đã có bước phát triển mới song vẫn chưa ngang tầm yêu cầu thực tiễn. Vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng, cơ sở vật chất hạ tầng và những thiết bị cần thiết cho các hoạt động văn hóa còn nhiều hạn chế.

    Để nâng cao chất lượng xây dựng và phát triển nền văn hóa trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    Một là,Tiếp tục tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện về chủ nghĩa yêu nước, gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phải nắm vững vị trí, vai trò của văn hóa, những quan điểm, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, đặc biệt là về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường văn hóa, hướng các hoạt động văn hóa về cơ sở. Xây dựng, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

    Hai là,Tiếp tục đẩy mạnh, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, chính quyền tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, trong đó cấp ủy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương trong học tập và làm theo Bác. Gắn thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

    Ba là, Phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tăng cường đầu tư kinh phí cho mục tiêu phát triển văn hóa. Xây dựng các cơ chế chính sách, chế tài trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, tư tưởng, nhằm thực hiện yêu cầu xã hội hóa các hoạt động văn hóa, vận động, động viên, phát huy có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng và phát triển văn hóa.

    Bốn là, Xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, khoa học, nhân văn, giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên, học sinh các cấp học. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước liên tục, rộng khắp đến các xã, thôn bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học.

    Năm là,Các chi, đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện phải thường xuyên kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong từng thời gian cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình, yêu cầu, điều kiện từng địa phương, đơn vị, đảm bảo phát triển theo định hướng một cách toàn diện. Thực hiện nghiêm túc việc sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến, kịp thời tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt.

    Cùng với các yếu tố tự nhiên, lịch sử, xã hội đã để lại không ít những ảnh hưởng sâu sắc đến thực trạng di sản văn hoá trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Sự giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, các cộng đồng dân tộc, sự tác động của đời sống kinh tế - xã hội, gián tiếp là những tác nhân cơ bản làm cho các di sản bị sói mòn, mai một, pha trộn như hiện tại, đây được xem như một nguy cơ cho bản sắc văn hoá riêng có từng dân tộc ngay trong lòng đại dân tộc Việt Nam nói chung.

    Qua đây, ở góc độ là người đã từng làm công tác quản lý các hoạt động văn hoá của địa phương, xin bày tỏ một số suy nghĩ đó là: Ngành và địa phương cần có giải pháp mạnh góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá của từng dân tộc, nhất là những dân tộc thiểu số, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII) của Đảng mà cụ thể ở đây là: đối với dân tộc Phù Lá ở bản Kép Mường Đun mức độ ảnh hưởng của sự giao thoa văn hoá đặc biệt là dân tộc Thái khá sâu đậm, cần có chính sách, đề tài nghiên cứu về vấn đề này, để bảo tồn lưu giữ và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Phù Lá. Qua đó đưa ra được giải pháp lưu giữ, bảo tồn, chống lại sự xâm lấn của các nền văn hóa dân tộc khác trong quá trình phát triển, hội nhập. Đối với các Nghệ nhân và những người am hiểu các giá trị văn hoá truyền thống các cấp, đó là những di sản văn hoá “Sống” các ngành chức năng liên quan cần sớm có những chính sách cụ thể, thiết thực để khuyến khích động viên những Nghệ nhân này tiếp tục cống hiến và từ đó họ gắn trách nhiệm hơn trong việc lưu truyền các giá trị văn hoá truyền thống tới thế hệ mai sau trong cộng đồng dân cư.

    Gần đây có hiện tượng một số cá nhân nơi khác đến mua lại các đồ thờ cúng và các cuốn văn trị trong đồng bào dân tộc ở địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào người Dao, các cấp chính quyền cần ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần có biện pháp sưu tầm bảo tồn những di sản này, tránh để xẩy ra tình trạng chẩy máu di sản ngay trên địa bàn huyện.

  • Nguyễn Hữu Điển, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy
  • Các tin khác:
    Trung tâm GDNN – GDTX huyện Tủa Chùa Tọa đàm Kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
    Trường THPT Tủa Chùa tổ chức tọa đàm chào mừng 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
    Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng gặp mặt truyền thống chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
    Kiểm tra, thẩm định hồ sơ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” năm 2024
    Cô giáo Sìn Thị Xuân tâm huyết với nghề
    Bí Thư huyện uỷ Lê Hoài Nam thăm, chúc mừng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
    Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật hòa giải ở cơ sở
    Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Mầm non Thị trấn Tủa Chùa
    Bí thư Huyện ủy chúc mừng Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Khám sức khỏe cho công dân thực hiện nghĩa vụ năm 2025
    1-10 of 3685<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website