Ngày 27/3/2024, cán bộ Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã có buổi hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm bằng Urê làm thức ăn cho trâu bò tại thôn Phiêng Páng, xã Sính Phình.
Các học viên cho rơm vào ủ bằng bao tải lót ni-lon
Tại buổi hướng dẫn, có gần 40 người dân thôn Phiêng Páng được phổ biến kỹ thuật ủ rơm bằng Urê gồm các bước:Cân rơm và tiến hành băm rơm thành từng đoạn từ 10 -15 cm. Hoà tan phân đạm Urê, muối vào nước theo trọng lượng rơm khô đối với hố ủ: Lần lượt rải rơm ra sân xi-măng hoặc nền sạch, tưới đều bằng ô doa dung dịch Urê - muối - nước đã khuấy hoà tan, đảo đều và dùng chân (có đi ủng) dậm cho dung dịch thấm đều vào nguyên liệu. Sau đó, cho rơm vào hố ủ theo từng lớp 20 cm, trên mỗi lớp, nén cho chặt. Cứ lần lượt từng lớp như vậy cho tới khi hết lượng rơm cần ủ. Đối với bao tải có lót nilon: Sau khi tưới đều bằng ô doa dung dịch Urê - muối - nước đã khuấy hoà tan vào rơm chặt nhỏ 10-15 cm đảo đều, đợi một lát cho rơm mềm sau đó cho vào bao tải có lót ni lon, nén chặt, sau cùng buộc chặt miệng bao. Dùng vật liệu đệm lót phủ kín lại bề mặt hố ủ, dùng gạch, ngói, củi khô,...chèn cho chặt và kín hố ủ để không khí, nước mưa, vi sinh vật,... ở ngoài không lọt vào và khí amoniắc ở trong không bay ra được. Nếu ủ vào các bao tải thì sau khi trộn đều rơm với dung dịch Urê thì nén thật chặt, buộc kín lại. Đặt các bao vào nơi sạch sẽ, tránh đặt trên nền đất, che chắn cẩn thận để tránh mưa nắng và ẩm ướt.
Qua buổi hướng dẫn đã giúp người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc, đồng thời ủ rơm với Urê còn làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp trâu, bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn./.