Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, hiểu biết trong chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng ở vùng xa, miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều mặt khiếm khuyết. Trẻ tử vong chủ yếu là do mắc các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như tiêu chảy, viêm phổi…khi không được cứu chữa kịp thời. Bên cạnh đó, mức độ tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Những nguyên nhân này đòi hỏi phải có những can thiệp vừa có chiều rộng về độ bao phủ, vừa có chiều sâu về chuyên môn, kỹ thuật mới có thể khắc phục được.
Trước đây, công tác truyền thông tập trung nhiều vào việc áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm sự gia tăng về số lượng dân số. Đến nay, khi đã đạt được mức sinh thay thế bền vững trong nhiều năm, công tác truyền thông cần chuyển hướng sang việc nâng cao chất lượng dân số như dự phòng và điều trị nhằm giảm tỷ lệ sơ sinh dị tật, sơ sinh nhẹ cân, non tháng, phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em…
Ảnh minh họa
Để tiếp tục giảm tử vong trẻ em trong thời gian tới, chúng ta cần chung tay thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về các dấu hiệu ốm đau của trẻ để phát hiện sớm, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; cho trẻ uống vitamin A, thuốc tẩy giun, tiêm phòng đầy đủ;
- Cần tăng cường vận động chính sách và nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Huy động sự tham gia của các thành viên trong gia đình và cộng đồng vào công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình: Không nên sinh nhiều con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh từ 3 năm trở lên, không nên sinh con trước tuổi 20 và sau tuổi 35 để làm giảm nguy cơ dị tật và tử vong của trẻ sơ sinh;
- Triển khai rộng rãi sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc liên tục từ khi mang thai, khi sinh, chăm sóc sơ sinh và trẻ nhỏ. Duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quản lý thai nghén, phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ;
- Đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đạt tiêu chuẩn người đỡ đẻ có kỹ năng . Đào tạo và hỗ trợ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số hoạt động tại những vùng đặc biệt khó khăn, nơi tập quán không đi khám thai và không đến đẻ tại cơ sở y tế còn phổ biến;
- Nâng cao chất lượng công tác chuyển tuyến sơ sinh và trẻ em, hỗ trợ các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn thành lập các nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng;
- Bổ sung viên sắt và axit folic cho phụ nữ có thai, đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm dự phòng và phát hiện sớm dị tật bẩm sinh. Thực hành thường quy việc tiêm vitamin K1 cho 100% trẻ sơ sinh ngay sau đẻ nhằm dự phòng xuất huyết não, màng não. Tiếp tục triểm khai rộng rãi quy trình Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới tại cộng đồng và tất cả các cơ sở y tế;
- Làm tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em thông qua việc thực hiện mô hình “ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn cho trẻ em”./.