Theo Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam năm 2018 có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B, Viêm gan B với tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng là 10-15%. Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai là 2%, trong lúc chuyển dạ đẻ là 90%; nếu mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm, mẹ nhiễm HBV mà HBeAg (-) tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%.
Đối với tỉnh Điện Biên có 15 nghìn phụ nữ mang thai theo ước tính thì toàn tỉnh có trên 1.500 phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B nếu không được can thiệp dự phòng sẽ có trên 1.300 trẻ nhiễm viêm gan B hằng năm. Chương trình dự phòng đang triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ và tiêm phòng viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ tiêm cho trẻ khi phụ nữ đến đẻ tại cơ sở y tế chiếm khoảng 92 - 95%, tuy nhiên số trẻ đẻ ra sống được tiêm đạt tại cộng đồng đạt rất thấp 51,2% (phụ nữ đẻ tại nhà không được tiếp cận dịch vụ này).
Phụ nữ bị nhiễm Viêm gan B và phụ nữ mang thai nhiễm Viêm gan B cần phải biết tình trạng nhiễm Viêm gan B của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm Viêm gan B tự nguyện để được điều trị kịp thời và con của họ được điều trị và nuôi dưỡng phù hợp. Song, trên thực tế vẫn còn có nhiều phụ nữ mang thai chưa tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền Viêm gan B từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do người nhiễm Viêm gan B còn thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống Viêm gan B nói chung và dự phòng lây truyền Viêm gan B từ mẹ sang con nói riêng nên chưa chủ động tìm kiếm dịch vụ phòng ngừa lây nhiễm Viêm gan B từ mẹ sang con
Nhằm tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, trên địa bàn huyện vào năm 2030. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 20/9/2019 về Hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2019-2030 trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Theo đó mục tiêu cụ thể là rà soát, bổ sung và xây dựng mới chính sách, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các chương trình, đơn vị tiến tới loại trừ 3 bệnh. Để làm tốt công tác này, đề nghị các cơ quan ban ngành đoàn thể huyện và các địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong vấn đề dự phòng viêm gan B lây truyền bệnh từ mẹ sang con. Hãy cùng nhau tuyên truyền:
Không nên mang thai vào giai đoạn viêm gan cấp tính: Với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nên theo dõi chức năng gan định kỳ trong một thời gian dài và luôn nghe tư vấn của bác sĩ về dùng thuốc điều trị bệnh nếu muốn sinh con. Giai đoạn virus đang hoạt động không nên mang thai, khi chức năng gan trở lại bình thường, HBeAg âm tính mới nên mang thai.
Tiêm phòng Vắc xin Viêm gan B cho trẻ: Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng vắc-xin viêm gan B. Tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm thì hiệu quả càng cao. Trong vòng 12 - 24h sau sinh mũi vắc-xin có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con, đây là sự canh tranh giữa sự nhân lên của virus Viêm gan B và kháng thể trung hòa virus đang có trong cơ thể. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày. Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con mà còn giúp trẻ sớm được bảo vệ bởi các thành viên khác trong gia đình.
Tiêm phòng vắc xin là cách hiệu quả và an toàn nhất phòng viêm gan B (WHO): Ngoài tiêm sớm 01 mũi vắc- xin viêm gan B để tạo ra miễn dịch chủ động, trẻ có mẹ dương tính với HBsAg còn cần tiêm 01 mũi Globulin miễn dịch viêm gan B ( HBIG) là một miễn dịch thụ động giúp trung hòa virus viêm gan B trong khi chờ tác dụng của vắc xin. Hai mũi tiêm ở hai vị trí khác nhau trong vòng 12-24h sau sinh.
Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh: WHO khuyến cáo sữa mẹ là thức ăn tốt nhất sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Kết quả nghiên cứu của WHO được công bố vào năm 2009 khẳng định, không có bằng chứng rằng việc con bú mẹ gây tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ cho con và bú mẹ không gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với bé không bú mẹ, và không đáng kể so với nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể mẹ khi sinh.
Mẹ nhiễm virus viêm gan B nên tránh cho trẻ bú trực tiếp: Để giảm thiểu sự lây truyền Virus Viêm gan B từ mẹ sang con, các bà mẹ hãy thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, chọn thời điểm thụ thai phù hợp, tuân thủ phác đồ tiêm chủng của WHO và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia để con được khỏe mạnh nhất./.