• Kiên định sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
  • Thời gian đăng: 03/04/2024 03:12:43 PM
  • Suốt 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta, nhân dân ta đã vượt qua bao gian nan, thử thách, đi từ vị trí thấp kém của một dân tộc thuộc địa, từ thân phận của những người dân nô lệ, vươn lên làm chủ đất nước, khẳng định vị thế của một dân tộc độc lập, tự do. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt kể từ ngày dân tộc ta có Đảng, rất nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước đều gắn với mùa xuân. Đó là ngày thành lập Đảng, đánh dấu sự chuyển mình bước sang trang mới của dân tộc vào ngày 3/2/1930, khởi đầu một mùa xuân mới của dân tộc. 15 năm sau, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Tết Bính Tuất năm 1946 là cái Tết đầu tiên toàn dân ta được đón Tết trong niềm tự hào của những người làm chủ đất nước. Sự nghiệp kiến quốc, kháng chiến bền bỉ, trường kỳ, gian khổ, chúng ta phải đương đầu với hai cường quốc quân sự và kinh tế là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những mùa xuân dân tộc nối tiếp nhau trong khói lửa chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ vào mùa xuân Giáp Ngọ năm 1954 (07/5/1954) làm nên một cơn “Địa chấn” khắp địa cầu, đặt dấu chấm hết cho ách thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Xuân Mậu Thân 1968 ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc bằng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân cả nước, tạo thế và lực rút ngắn khoảng cách đến ngày toàn thắng. Để rồi 7 năm sau, mùa xuân Ất Mão năm 1975, cả dân tộc ta ca khúc khải hoàn mừng thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ngày hội non sông mừng đất nước thống nhất...

     xvhx1.jpg

    (Ảnh: vietnamnet.vn)

    Năm 1987, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986). Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, nhân dân ta đã thực hiện những bước tiến vượt bậc, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên những thành tựu vẻ vang. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia trên thế giới, ngày càng khẳng định vị thế, đối tác quan trọng với bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(1). Khẳng định của người lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước ta chính là sự kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đáu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và là sự kết tinh niềm tin, niềm hạnh phúc, tự hào to lớn của nhân dân ta.

    Trong tiến trình tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, Đảng ta đã khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo triển khai sự nghiệp đổi mới với những đường lối, định hướng, chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo, đem lại thành quả vô cùng to lớn. Với gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã thực sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người chúng ta và được bạn bè quốc tế quan tâm đến như một lẽ đương nhiên. Không phải bây giờ mà trong quá trình cách mạng, chúng ta luôn thực hiện sự đổi mới. Có điều, công cuộc đổi mới lần này mang tính toàn diện, tổng thể, sâu sắc, được chuẩn bị và tiến hành có bài bản. Ở đây, phải định rằng, sự nghiệp đổi mới đất nước là công việc của chúng ta, theo cách thức và bước đi của ta; là công cuộc sáng tạo mang tính tất yếu và công cuộc đó phải được triển khai một cách sâu rộng và đồng bộ, nhưng vì nó còn mới mẻ nên phải cân nhắc từng đường đi, nước bước cụ thể, chắc chắn.

    Đổi mới vừa là sự thay thế cái cũ, vừa là sự chọn lựa cái cũ, cái hiện đang còn phù hợp để cải biến cho nó trở nên thích ứng và hữu dụng hơn. Đổi mới có thể coi là một sự phủ định biện chứng: “không bao giờ phủ định sạch trơn và không bao giờ quay lại cái cũ”. Đổi mới để phát triển, đồng nghĩa với phát triển, nhưng là sự phát triển trong thế ổn định, sự phát triển theo đúng định hướng và con đường đúng đắn mà chúng ta đã chọn. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ tình hình thực tế của đất nước mình, và đặc biệt quan trọng là chúng ta thực hiện đổi mới nhưng có nguyên tắc, đổi mới nhưng không thay đổi bản chất chế độ xã hội. Đổi mới là thực hiện bước chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, nhưng trong khi thực hiện cơ chế thị trường, Nhà nước phải quản lý và điều hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng thả nổi thị trường; đổi mới để phát triển kinh tế, nhưng sự phát triển đó phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo. Đổi mới có yêu cầu và gắn với mở cửa, hội nhập; đổi mới có yêu cầu và gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Toàn bộ công cuộc hội nhập - mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là để thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững; xây dựng và tăng cường lực lượng sản xuất, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp; nâng tầm đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới. Vậy nên đổi mới chính là để hướng tới chủ nghĩa xã hội, để hiện thực quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác lập rõ ràng hơn.

    Đổi mới và cải cách có cùng nội dung hướng tới cái mới, cái tốt đẹp hơn. Nhưng, cải cách thường được hiểu là những hành động nhất định, những cuộc vận động nhất định nhằm đạt những mục tiêu nhất định. Khi những hành động cải cách ấy, những cuộc vận động cải cách ấy đã đạt tới mục tiêu đề ra thì phải có hành động cải cách mới, cuộc vận động cải cách mới. Còn đổi mới, theo cách hiểu của chúng ta, do bản chất và tính tất yếu của nó, lại là một quá trình lâu dài. Đổi mới như một dòng chảy liên tục, vận động liên tục của cả guồng máy xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát động và lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Các kỳ đại hội, từ Đại hội VII đến Đại hội XIII và Đại hội XIV tới đây của Đảng cũng sẽ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới để đưa đất nước đi lên. Lời hiệu triệu đó rất phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và ý nguyện của nhân dân.

    Quá trình đổi mới là quá trình chuyển biến to lớn và thiết thực. Đổi mới tư duy đã khắc phục được những nhận thức lệch lạc, nhất là bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí; từng bước hình thành những quan niệm mới về mục tiêu, bước đi và cách thức phát triển đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Công cuộc đổi mới đã giải phóng sức sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng của một nước có thu nhập thấp; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, ổn định chính trị - xã hội được bảo đảm, định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng và đẩy mạnh thêm.

    Chính đổi mới đã đưa nước ta từ chỗ phải nhập lương thực, nay trở thành nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới. Chưa bao giờ nhịp độ phát triển và đổi thay từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi đến đồng bằng lại nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay. Cũng chưa bao giờ phong cách sống và làm việc của mọi gia đình và mọi người dân lại có những nét mới mẻ, tươi tắn như hôm nay. Đổi mới đã giúp chúng ta vừa kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp đã đạt được trước đây, vừa có cách nghĩ, nghe, nhìn và làm khác trước, phù hợp với tình hình đang phát triển. Đổi mới đã đem đến một sức vóc mới cho đất nước, tiếp sức đôi chân chúng ta đi thêm những bước dài, vững chắc trên con đường hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

    feifje112.jpg

    (Ảnh: vietnamnet.vn)

    Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển bền vững đất nước”(2). Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

    Cội nguồn của những thành tựu trên là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện. Đảng ta nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi. Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đường lối đổi mới. Sự nghiệp đổi mới được bàn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ.

    Tuy nhiên, trong tiến trình đi lên, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, chúng ta không quên rằng đất nước mình vẫn còn nghèo, sự phát triển của nền kinh tế chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm tăng trưởng cao và lâu bền, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Rõ ràng là phía trước của chúng ta không chỉ có thời cơ và thuận lợi mà còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đan xen. Điều này đã làm nảy sinh những băn khoăn, lo lắng về chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, một số phần tử bất mãn, cơ hội và các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu đả kích, chống phá trắng trợn sự nghiệp đổi mới của chúng ta; luận điệu thâm độc nhất là: “Đổi mới đã hết thời, đã không còn động lực và cạn kiệt hết nguồn lực. Vậy nên, đất nước không thể tiếp tục đổi mới nữa,...”. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng cả thời cơ và thách thức để không bị rơi vào các trạng thái tự mãn, chủ quan hoặc bi quan thái quá. Trên cơ sở đó, xây dựng quyết tâm, niềm tin, khát vọng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đồng bộ để phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc bằng cả kinh nghiệm thực tiễn và những luận cứ khoa học.

    Cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư xoay quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Bài viết dựa trên nền tảng thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn phong phú, sinh động của Việt Nam trong xây dựng CNXH. Trong đó nổi bật lên các nội dung cơ bản sau:

    Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng sau hơn 35 năm qua là minh chứng hùng hồn chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới, bảo đảm đất nước phát triển bền vững, theo đúng định hướng XHCN. Đó là cơ sở, nền tảng để tiếp tục xây dựng dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

    Bên cạnh đó, trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định những thành tựu của chủ nghĩa tư bản là không thể phủ nhận: “Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ”… Tuy nhiên, khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản như áp bức, bất công, bóc lột...), song không bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa.

     Cuối bài viết, Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục như: Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững… Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp… Về xây dựng và chỉnh đốn Đảng: tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên... Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

    Vì thế, việc Tổng Bí thư khẳng định: "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh"; đồng thời, kết luận rằng vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; sự kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân chính là nguồn sức mạnh sâu xa, cội nguồn của thắng lợi và sự phát triển… chắc chắn không phải là "sự hoang tưởng", lại càng không phải là "cái bánh vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam" như các thế lực thù địch bôi nhọ, phủ nhận.

    Lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam đều cho thấy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam rất rõ ràng và chặt chẽ; phản ánh đúng lý luận, thực tiễn và cả những vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết. Bài viết không chỉ thể hiện tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Đảng trước những đổi thay của tình hình trong nước và quốc tế, góp phần giúp mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc để không dao động, không ngả nghiêng trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời, nêu cao tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, kiên định và làm tròn trách nhiệm của mình cao hơn nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra.

    Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những đánh giá của Đảng ta tại Đại hội XIII khẳng định mạnh mẽ những giá trị của CNXH mang lại: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.

    Rõ ràng công cuộc đổi mới của chúng ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua gần 40 năm thực hiện, mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn. Hành trình đổi mới với sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân đã và đang kết hợp tất cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là động lực lớn nhất, là yếu tố cơ bản nhất để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, tạo nên khả năng thành công của sự nghiệp cao cả trọng đại: xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

    ----------

    (1)Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H,2022, tr. 25, 25-26, 27, 28, 29, 36-37.

    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 103 - 104.

  • Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tủa Chùa
  • Các tin khác:
    Trao tặng kỷ niệm chương Cựu chiến binh Việt Nam cho các đồng chí lãnh đạo huyện Tủa Chùa
    HĐND xã Lao Xả Phình: Kỳ họp thứ 14 khóa XXI
    Tập huấn nâng cao chất lượng quản lý vốn vay ủy thác từ NHCSXH năm 2024
    Hội nghị tập huấn truy xuất nguồn gốc và Mã QR Code cho 100 cây chè Shan Tuyết di sản Tủa Chùa
    Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tủa Chùa:Tổ chức thăm, chúc mừng tổ chức đạo tin lành nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2025
    Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ
    Đảng ủy Thị trấn Trao Huy hiệu Đảng đợt mồng 7 tháng 11 năm 2024
    Đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tủa Chùa năm 2024
    Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025
    Kiểm tra việc thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa
    1-10 of 3849<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website