Các biện pháp can thiệp khi phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này như:
Can thiệp trước sinh: Tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con…
Can thiệp trong khi sinh: Với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền mẹ con...
Can thiệp sau sinh: chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế.
Để đẩy mạnh sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và toàn dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 02% vào năm 2020 đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Ngày 02/6/2020 Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-BCĐ về việc triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 với mục đích: Nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần tập trung đẩy mạnh phổ biến kiến thức cơ bản về Luật phòng chống HIV/AIDS để quần chúng nhân dân đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai có những hiểu biết nhất định. Tăng cường công tác khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa, các xã, thị trấn trọng điểm về HIV/AIDS và tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ và những tháng tiếp theo. Vì sức khỏe và tương lai của con mình các bà mẹ nên đi xét nghiệm phát hiện HIV để được được điều trị ARV dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Cùng hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vưới chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”.