Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của Nhà nước và xã hội. Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều khâu có liên quan đến thực phẩm như: Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Thú y, cơ sở chế biến thực phẩm và người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Đầu tháng 4/2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới. Ngày 10/4/2023, UBND huyện Tủa Chùa đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề là “Tháng hàng động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 là “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”thời gian diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2023 trên địa bàn huyện. Với mục tiêu là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, chúng ta hãy:
1. Tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng vềnhững tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Để đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
4. Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi người.
Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận thức trong phòng chống ngộ độc thực phẩm; không sử dụng bột ngô mốc, các loại nấm và rau rừng không rõ nguồn gốc làm thức ăn; không sử dụng thực phẩm không có kiểm định của các đơn vị chức năng, thực phẩm hết hạn sử dụng; thực hiện ăn chín uống chín; lựa chọn các thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩmnhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật./.