Trong tuần vừa qua, Chương trình vùng Tủa Chùa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa tổ chức Hướng dẫn triển khai mô hình Quản lý suy dinh dưỡng cấp tính (CMAM) cho các nhân viên y tế xã và thôn, bản mục tiêu thuộc các xã Tủa Thàng, Sính Phình, Xá Nhè, Mường Báng và Thị trấn Tủa Chùa.
Tham gia hướng dẫn có đại diện từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Điện Biên, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, y tế xã và các thôn, bản sẽ triển khai mô hình Quản lý Suy dinh dưỡng cấp tính trong thời gian tới.
Theo đó các nhân viên y tế, cộng tác viên đã được cung cấp các kiến thức cơ bản để triển khai mô hình CMAM: Quy trình tiếp nhận trẻ, cách đo vòng cánh tay, chiều cao, cân nặng, đánh giá mức phù suy dinh dưỡng,phân loại tình trạng suy dinh dưỡng, cảm giác thèm ăn của trẻ, tính lượng dinh dưỡng phù hợp, cách quản lý trẻ, các thông điệp dành cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ, các dấu hiệu cần lưu ý khi theo dõi hỏi, tiêu chuẩn trẻ thoát suy dinh dưỡng.Các cán bộ y tế cũng được thực hành các bước như đo chiều cao, cân nặng, đo vòng cánh tay của trẻ, đánh giá mức độ thèm ăn của trẻ thông qua sử dụng sản phẩm vi chất dinh dưỡng HEBI.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh – Cán bộ Trung tâm kiểm soát dinh bệnh tỉnh Điện Biên
hướng dẫn sử dụng thước đó vòng cánh tay cho cán bộ y tế tham gia triển khai mô hình CMAM
Nhân viên y tế thôn thực hành về đo chiều cao cân năng, đo vòng cánh tay của trẻ dưới 5 tuổi
Trước đó vào năm tài chính 2021, Mô hình Quản lý suy dinh dưỡng cấp tính được triển khai tại huyện Tủa Chùa với 40 trẻ được hưởng lợi trực tiếp. Kết quả có 26/40 (65%) trẻ thoát suy sinh dưỡng cấp tính, bên cạnh đó mô hình còn giúp cho các cán bộ y tế có kiến thức và kỹ năng về quản lý suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ/người chăm sóc trẻ được thực hành về chăm sóc sức khoẻ trẻ và có niềm tin vào việc phục hồi sức khoẻ và nuôi con không bị suy dinh dưỡng. Theo kế hoạch năm tài chính 2022, Chương trình vùng Tủa Chùa sẽ tiếp tục triển khai mô hình với 55 trẻ được hưởng lợi trực tiếp thông qua sử dụng sản phẩm Vi chất dinh dưỡng (HEBI) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia sản xuất. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 với tổng kinh phí là khoảng 200 triệu đồng.