Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân huyện Tủa Chùa đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân huyện đã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Các cơ sở hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên.
Hội Nông dân, tỉnh và huyện kiểm tra việc sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân tại gia đình hội viên Nguyễn Thị Sâm - TDP Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội nông dân Huyện Tủa Chùa cho biết: Ðến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Điện Biên thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Tủa Thàng với tổng số vốn300 triệu đồng bằng 11 con Trâu, sau 3 năm (2017-2019) thực hiện dự án đàn trâu đã tăng lên 12 con, nâng tổng đàn trâu lên 23 con;Mô hình Hội nông dân tỉnh đầu tư đàn trâu cho xã Lao xả Phình hiện nay có 59 con, bò sinh sản 69 con.Riêng quỹ hỗ trợ Hội nông dân huyện là 500 triệu đồng, hiện nay thực hiện dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại 2 xã (Mường Đun, Sín Chải), qua kiểm tra thực hiện dự án tại 2 xã mới được 2 năm việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao, như gia đình ông Mùa A Sinh , thôn Cáng Tỷ, xã Sín Chải từ 2 con bò, trong 2 năm đã sinh sản 4 con, nâng lên tổng số 6 con, Đối với quỹ hỗ trợ của Hội nông dân tỉnh cho xã Tủa Thàng vay đã hết thời hạn 3 năm, chúng tôi đã chuyển về cho 10 hộ thị trấn vay thực hiện dự án chăn nuôi lợn sinh sản.Ngoài ra Hội Nông dân huyện phối hợp với NHCS-XH huyện nhận ủy thác với số tổng số tiền dư nợ trên 76 tỷ đồng cho trên 2000 hội viên vay để phát triển sản xuất tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cho hội viên, nông dân. Hầu hết các mô hình vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và NHCS-XH huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Tủa Thàng, Lao xả Phình, Sín Chải; mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh như bà Hoàng Thị Bình, Nguyễn Đăng Sơn (Thị Trấn), Phạm Thị Út Mai, Mào Văn Nghoén, Hờ A Tùng (Mường Báng), Mùa A Di ( Sín Chải)..
Mô hình VAC tại gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết - TDP Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa
Gia đình Nguyễn Thị Tuyết, tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa trước đây hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, kiến thức và kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, nên dù chịu khó làm ăn nhưng vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, bà Tuyết mới có điều kiện phát triển sản xuất,chăn nuôi, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu về cách thức làm ăn... bà đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà. ban đầu bà chỉ nuôi 2-3 con lợn thịt và vài chục con gà. Quy mô sản xuất được bà mở rộng ra hàng năm, đến nay gia đình bà trong chuồng lúc nào cũng có trên chục con lợn và hàng trăm con gà, trên 1000m2 rau sạch, mô hình VACR của gia đình bà ngày càng phát triển và cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện Tủa Chùa bước đầu đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của nông dân, tháo gỡ một phần nhu cầu về vốn cho hội viên, đặc biệt khuyến khích bà con đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng và có sức cạnh tranh cao. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Ðể Quỹ Hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, Hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện cần quan tâm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng các nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả, nợ xấu, nợ quá hạn. Ðẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, định hướng về tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có biện pháp hỗ trợ, cho vay để phát triển mạnh với các mô hình trang trại nông nghiệp, các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và có đầu ra sản phẩm ổn định. Có như vậy, Quỹ Hỗ trợ nông dân mới phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.