Ông Lò Văn Đất, Trưởng bản Huổi Trẳng, cho biết: Bản có 22ha ruộng gieo cấy 2 vụ lúa/năm, đàn gia súc của bản tăng trưởng ổn định hiện có hơn 300 con trâu bò. Người dân áp dụng kỹ thuật, kinh nghiệm, sử dụng vốn hiệu quả vào phát triển cây lúa, gia súc gia cầm theo hướng hàng hóa nên thu nhập và đời sống cải thiện nhiều trong mỗi gia đình. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm nhanh nhờ bà con chuyển đổi mở rộng ngành nghề, đó là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển khách, hàng hóa trên lòng hồ sông Đà. Huổi Trẳng hiện có 87 hộ nhưng nay chỉ còn 12 hộ nghèo. Hầu hết các hộ trong bản đều có thuyền máy, trong đó gần 20 hộ có thuyền máy to làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách qua lại 2 bờ sông Đà giữa địa phận bản Huổi Lả, xã Nặm Hăn, huyện Sìn Hồ, Tỉnh Lai Châu và Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng Tủa Chùa tỉnh Điện Biên. Còn lại các hộ sắm thuyền nhỏ đánh bắt tôm cá, vận chuyển nhỏ phục vụ đời sống, sản xuất của gia đình. Ngoài ra, có 6 hộ trong đó có gia đình Trưởng bản Lò Văn Đất mạnh dạn nuôi cá lồng trên sông Đà từ mấy năm nay. Tuy quy mô chưa lớn nhưng giúp người dân có kinh nghiệm phát triển nuôi cá lồng và tăng nguồn thu nhập từ chăn nuôi thủy sản. Cũng theo ông Đất, nuôi cá lồng tận dụng được tôm cá nhỏ đánh bắt được trên lòng hồ sông Đàlàm thức ăn để nuôi cá trê lai, cá lăng trong lồng. Vì không sử dụng thức ăn công nghiệp nên cá lồng của người dân bản Huổi Trẳng có chất lượng tốt, dễ tiêu thụ trên thị trường.
Ông Lò Văn Dương, người dân bản Huổi Trẳng, tâm sự: Năm 2012, tôi bàn bạc với các thành viên trong gia đình và mạnh dạn đầu tư 55 triệu mua thuyền máy dài14m, rộng 1,8m, trọng tải hơn 5 tấn làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách qua lại 2 bờ sông Đà. Thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, gia đình tôi thoát nghèo từ nhiều năm nay. Gia đình ông Sân Văn Lai, đầu tư 120 triệu đồng mua thuyền lớn cũng làm dịch vụ vận chuyển hàng hàng hóa, hành khách... Ở Huổi Trẳng có thuận lợi sản phẩm thủy sản đánh bắt hay nuôi trồng được từ nhiều năm nay không lo đầu ra. Hàng ngày, tư thương từ thị trấn Tủa Chùa và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La lên thu mua với số lượng không hạn chế. Có hôm gặp may mắn có gia đình trong bản khai thác được nhiều loại tôm, cá to, ngon bán được vài triệu đồng/ngày. Học tập kinh nghiệm đánh bắt thủy sản trên lòng hồ sông Đà, mạnh dạn đầu tư vốn, chuyển đổi ngành nghề vào khai thác tiềm năng của tự nhiên để xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong đời sống, người dân bản Huổi Trẳng có thu nhập cao hơn bình quân của các gia đình trong xã Tủa Thàng.
Gia đình ông Lò Văn Đất, Trưởng bản có mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm.
Hầu hết các hộ trong bản Huổi Trẳng đầu tư thuyền máy, lưới đánh bắt tôm, cá trên sông Đà phục vụ đời sống, cải thiện thu nhập
Không trông chờ ỷ lại chế độ chính sách tái định cư của Đảng, Nhà nước, mở rộng và chuyển đổi ngành nghề, chủ động giảm nghèo theo hướng bền vững của người dân bản Huổi Trẳng đã góp phần đưa chương trình tái định cư Thủy điện Sơn La của Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành công.