Những năm qua cùng với các chính sách chung của Đảng và Nhà nước, huyện Tủa Chùa đã và đang nỗ lực triển khai đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, giúp người dân được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện kiểm tra công tác vay vốn tại thị trấn Tủa Chùa
Để đưa chính sách tín dụng kịp thời đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, Ngân hàng chính sách xã hội đã kịp thời triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; phân bổ nguồn vốn các chương trình tín dụng đảm bảo đúng quy định, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, UBNDcác xã, thị trấn quan tâm bố trí nguồn lực địa phương để thực hiện cho vay chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn.Xác định chính sách tín dụng là cơ hội để giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng đến UBND, MTTQ và các hội đoàn thể các xã, thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; hướng dẫn UBND cấp xã rà soát đối tượng vay vốn để lập danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành lập các Ban Quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các tổ dân phố, thôn bản theo đúng quy định; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả… Chú trọng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Ông Trần Quốc Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)huyện Tủa Chùa cho biết: Nguồn vốn từ chính sách tín dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ, nhận thức để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXHhuyện đã thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng, trong đó bao gồm cho vay theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP về ưu đãi hộ nghèo;Nghị định 28/2022/NĐ-CP cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định 22/2023 cho vay người chấp hành xong án phạt tù, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về cho vay nhà ở xã hội và cho vay đối với học sinh sinh viên theo theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…Đến 31/5/2024, có trên 9.600 lượt hộ được vay vốn với tổng dư nợ là 496.937 triệu đồng, tăng 22.328 triệu đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay phát sinh 5 tháng đầu năm 2024 là 82.718 triệu đồng, với trên một nghìn lượt khách hàng vay vốn. Từ nguồn vốn vay, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách đã đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường phục vụ đời sống, xây dựng nhà ở… Trong đó, đã có 4.4548 lượt hộ nghèo, 1.141 lượt hộ cận nghèo, 466lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 1.699 lượt hộ vay theo chương trình sản xuất kinh doanh; cho 699 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường, trên 300 khách hàng được vay vốn giải quyết việc làm; 12 hộ vay vốn nhà ở xã hội, 19 học sinh sinh viên, 02 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn...Qua kiểm tra cho thấy, nguồn vốn vay được các hộ gia đình sử dụng đúng mục đích, giúp các hộ có nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Một số mô hình tiêu biểu đang được các địa phương nhân rộng. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức Hội nhận ủy thác đã nỗ lực giúp đỡ Nhân dân sử dụng vốn hiệu quả, tích cực tuyên truyền chấp hành các quy định về trách nhiệm của người vay. Do vậy hầu hết hộ vay đều thực hiện trả lãi, trả gốc khi đến hạn.
Có thể nói, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là cơ hội “tiếp sức” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo. Để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần có sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; kịp thời phân bổ nguồn vốn tín dụng, từ đó mở ra cơ hội để người dân tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi, tạo sinh kế phát triển kinh tế lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn./.