Phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để được điều trị kịp thời và con của họ được điều trị và nuôi dưỡng phù hợp. Song, trên thực tế vẫn còn có nhiều phụ nữ mang thai chưa tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do người nhiễm HIV còn thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên chưa chủ động tìm kiếm dịch vụ. HIV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn làm tổn hại đến bánh rau thì vi rút HIV có thể di chuyển qua bánh rau vào thai nhi (có khoảng 20 - 30% số trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV từ mẹ ở giai đoạn này). HIV còn lây truyền từ mẹ sang con ở giai đoạn chuyển dạ (có khoảng 50 - 60% trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn này). Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai nhi bị xây xước, sang chấn. Sau khi sinh trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có nhiều vi rút HIV, vi rút xâm nhập qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ có các tổn thương ở niêm mạc miệng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng HIV/AIDS nhưng việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Theo số liệu thống kê nếu không điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 25 - 40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV, nhưng nếu các bà mẹ được điều trị dự phòng thì chỉ có 3 - 10 trẻ bị nhiễm HIV, tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc và việc tuân thủ điều trị. Để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có nhiễm HIV hay không để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị dự phòng sớm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ảnh minh họa
Để thực hiện thành công mục tiêu “Giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020. Ngày 30/5/2019 Ban Chỉ đạo PCTP,TNXH &XD phong trào toàn dân BVANTQ đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-BCĐ về việc triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019. Đề nghị các cơ quan ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hãy cùng nhau tuyên truyền:
- Phụ nữ cần xét nghiệm HIV ngay trong ba tháng đầu khi mang thai để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
- Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con;
- Phụ nữ mang thai cần biết sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị kịp thời!
- Tiếp cận sớm các dịch vụ Dự phòng HIV từ mẹ sang con là quyền lợi của phụ nữ mang thai!
- Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con!
- Tuân thủ điều trị ARV giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con!
- Tham gia bảo hiểm Y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời.