Theo đó, tuyến đường thủy nội địa Mường Lay – Tủa Chùa dài 112km, gồm 2 tuyến: Tuyến chính trên sông Đà từ phường Sông Đà (TX. Mường Lay) đi Phi Giàng (Huổi Só, huyện Tủa Chùa) dài 73km; tuyến nhánh trên sông Nậm Lay từ cầu Nậm Cản đến ngã 3 nối với sông Đà dài 7km và trên sông Nậm Mức từ đập Thủy điện Nậm Mức đến ngã ba nối với sông Đà dài 32km. Dọc tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 2 cảng sông (Đồi Cao và Huổi Só) cấp tỉnh quản lý; 10 bến thủy cấp huyện quản lý, khai thác và xây dựng hệ thống báo hiệu đường thủy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Kết cấu hạ tầng này sẽ đáp ứng năng lực xếp dỡ của tàu, sà lan chở hàng có trọng tải từ 100 – 200 tấn; tàu chở khách, hàng kết hợp trọng tải 20 – 50 tấn, 30 – 50 khách; tàu tốc độ cao (vận tốc từ 25 – 30km/h) từ 50 – 100 hành khách; tàu du lịch lòng hồ từ 30 – 50 khách và tàu chở khách thông thường (vận tốc từ 10 – 15km/h) 20 – 30 khách.
Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh)
tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường thủy Mường Lay - Tủa Chùa. Ảnh: Nhật Phương
Cùng với những thuận lợi để phát triển dịch vụ vận tải, tuyến đường thủy Mường Lay – Tủa Chùa còn có nhiều thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch.
Ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên cho biết: Tương lai tuyến đường thủy nội địa Mường Lay – Tủa Chùa sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch kết nối với đường bộ, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách của 3 tỉnh Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, góp phần giảm bớt phương tiện lưu thông trên đường bộ, giúp kéo dài tuổi thọ của các công trình giao thông đường bộ. Đồng thời, phát triển dịch vụ du lịch sông nước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân hai bên tuyến. Song để hiện thực hóa được tiềm năng này là cả chặng đường dài với không ít khó khăn, thách thức.
Trước hết là khó khăn về vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy. Theo quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng tuyến đường thủy Mường Lay – Tủa Chùa là 1.113,75 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2 đến năm 2030, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nền kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng, Nhà nước có chính sách thắt chặt đầu tư công thì đây là số tiền quá lớn đối với tỉnh nghèo như Điện Biên. Để phát triển du lịch, ngoài hệ thống hạ tầng du lịch phải hoàn thiện, các bến thuyền, thuyền chở khách và các khu vực cung cấp dịch vụ phải đầy đủ và đảm bảo tiêu chuẩn thì nguồn nhân lực làm dịch vụ du lịch là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, dọc tuyến đường thủy Mường Lay – Tủa Chùa chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, quanh năm chỉ biết làm nương và đánh bắt cá, chưa có kiến thức về làm du lịch. Do đó, muốn phát triển du lịch thì Điện Biên cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ kiến thức, trình độ mới thu hút và phục vụ được du khách trong 6 tháng mùa nước nổi. Cùng với đó, phải có giải pháp triệt để, hiệu quả vấn đề về đăng ký, đăng kiểm các phương tiện đường thủy; cấp giấy phép điều khiển phương tiện đường thủy và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Theo ông Đỗ Văn Chung, thời gian tới, Điện Biên sẽ cố gắng hoàn thiện hạ tầng đường thủy Mường Lay – Tủa Chùa theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Sau khi đi vào khai thác, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như: Cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế về dịch vụ vận tải và du lịch.