• Bệnh dại và cách phòng, chống
  • Thời gian đăng: 26/10/2022 04:18:46 PM
  • Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với rất nhiều gia đình ở nước ta. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành “Thú dữ”, gây hại cho sức khỏe của người nuôi và những người xung quanh. Hàng năm, tại Việt Nam có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại do bị chó dại, mèo dại cắn.

    gfnhjgj1.jpg

    Bệnh Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút Dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, bệnh dại cũng là một loại bệnh có số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Hàng năm, tỉnh Điện Biên luôn ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong do dại, trong tháng 10 năm 2022, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại huyện Mường Nhé (xã Mường Nhé 01 ca; xã Chung Chải 01 ca). Kết quả điều tra cho thấy các trường hợp trên đều không được tiêm vắc xin phòng Dại, xử lý vết thương không đúng cách. Mặt khác, theo Thông báo của Chi cục Thú Y tỉnh Điện Biên trong tháng 10 năm 2022 đã lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm, có 02 mẫu đầu chó tại huyện Mường Nhé (xã Mường Nhé 01 mẫu; xã Mường Toong 01 mẫu) đều cho kết quả dương tính với vi rút Dại. Vi rút Dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

    1. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh

    - Loài thường mắc: Động vật máu nóng, chủ yếu là chó, mèo hoặc có thể là các loại động vật hoang dã như: Dơi, chồn, cáo… và các động vật có vú khác;

    - Nguồn bệnh: Ở nước ta, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm đến hơn 90%, sau đó là mèo nhà;

    - Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua vết cắn, vết cào, vết liếm, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở;

    - Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn. Sau khi bị chó, mèo dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 - 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

    2. Các biểu hiện của bệnh Dại ở chó, mèo

    * Ở chó

    - Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, tru lên từng hồi; bồn chồn, nhảy lên đớp không khí. Chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu.

    - Chó bỏ ăn, sốt, có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, bồn chồn, sợ sệt, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng. Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ cũng cắn gặm, tấn công chó khác, kể cả người.

    - Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm, lưỡi, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt.

    - Chó chết trong khoảng từ 03 - 07 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và kiệt sức vì không ăn uống được.

    * Ở mèo   

    - Mèo ít bị mắc dại hơn chó, bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó.

    - Mèo hay núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn như khi động dục; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng, tạo vết thương sâu.

    3. Biểu hiện của bệnh dại trên người

    Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 02 - 08 tuần, có thể kéo dài đến trên 01 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 02 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

    - Thể hung dữ: Thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản...

    - Thể liệt: Bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong sau 07 - 10 ngày.

    4. Khi bị động vật cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại

    - Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn;

    - Tuyệt đối không dùng các loại thuốc lá để bôi hay đắp lên vết thương, có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác;

    - Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời(chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại).

    Ảnh minh họa

    - Sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, tuyệt đối không được đập chết hay thả rông chó hay mèo đã cắn, mà phải nuôi nhốt, theo dõi tình trạng sức khỏe của con vật. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay;

    Bệnh dại là một trong số những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị khi bệnh dại đã phát, nên tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Hiện tại, bệnh dại chưa có xét nghiệm hay phép thử dân gian nào để phát hiện bệnh. Vì vậy, không có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nào bằng cách tiêm phòng. Khi bị súc vật nghi dại cắn, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn. Đối với việc tiêm vắc xin, các trường hợp nghi bị súc vật nghi dại cắn cần tiêm đủ mũi và đúng thời gian quy định.

    5. Để bệnh dại không bùng phát chúng ta cần nâng cao nhận thức “phòng hơn chữa”, chủ động tiêm phòng cho bản thân và tiêm phòng cho vật nuôi. Một số khuyến cáo phòng, chống bệnh dại, cụ thể

    - Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn;

    - Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch;

    - Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo;

    - Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch;

    - Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch./.

  • Trần Hường - Phòng Y tế huyện
  • Các tin khác:
    Trồng mới hơn 1000 cây hoa Ban trên địa bàn Thị trấn Tủa Chùa
    Hướng dẫn học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn huyện Tủa Chùa
    Diễn tập chiến đấu phòng thủ xã Tả Phìn năm 2021
    Nhiều thiết bị điện trạm biến áp bị cắt trộm
    Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Tủa Chùa
    Kỳ họp thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ Thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025
    Đảm bảo phòng chống dịch Covid 19 cho học sinh đến trường
    Phiên họp thứ ba của Thường trực HĐND huyện khoá XXI
    UBND Thị trấn Tủa Chùa tăng cường công tác quản lý gia súc, động vật nuôi
    Họp thống nhất giải quyết nội dung đề nghị của công dân
    2351-2360 of 3703<  ...  231  232  233  234  235  236  237  238  239  240  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website