• Bánh bỏng, kẹo Kéo - Những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Hoa
  • Thời gian đăng: 25/02/2024 10:29:19 AM
  • Dân tộc Hoa (Xạ Phang) là 1 trong 19 dân tộc anh em đang cư trú tại tỉnh Điện Biên. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, ngoài việc may áo mới, một trong những hoạt động phổ biến nhất có lẽ là chuẩn bị bánh, kẹo Tết.

    Khác với nhiều dân tộc trong tỉnh, bánh tết có thể là bánh chưng vuông, bánh chưng gù… thì đối với đồng bào dân tộc Hoa, món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng, đồ tiếp đón khách đến chơi là bánh hoa gạo. Theo tiếng Hoa là “Mi hóa”, trong đó hóa có nghĩa là hoa, mi có nghĩa là gạo. Đồng thời trong quá trình chế biến bánh hoa gạo, các bà, các mẹ thường tiện thể chế biến thêm kẹo kéo cho trẻ con. Đây là những món bánh truyền thống trong ngày tết của dân tộc Hoa.

    Về cơ bản, bánh hoa gạo giống bánh bỏng, được các bà, các mẹ làm thủ công, cầu kỳ và nhiều công đoạn hơn. Để làm bánh hoa gạo, đầu tiên cần chế tạo mạch nha (nguyên liệu thay thế đường), thóc sẽ được ngâm nước, ủ cho nảy mầm. Khi mầm thóc đã dài khoảng 5cm sẽ được phơi khô, giã nhỏ thành bột. Tiếp đó ngô tẻ được trồng nơi núi cao sẽ được nghiền nhỏ, ninh nhừ trong khoảng hai tiếng rồi tắt bếp. Công đoạn tiếp theo là dùng bột mầm gạo đã chuẩn bị trước đó trộn cùng bột ngô đã ninh nhừ trong 8 tiếng đến khi nước trong là có thể lọc. Lượng nước thu được tiến hành đun sôi, cô đọng là thành mạch nha.

    Sau khi đã có mạch nha, những người phụ nữ sẽ chuẩn bị các nguyên liệu trộn cùng mạch nha như: bỏng gạo, vừng, lạc… Trong đó chế biến bỏng gạo là công đoạn khó nhất, phải dùng gạo nếp được đồ thành xôi cho chín đều, hạt cơm nở bung, nguyên hạt, thơm phức được dàn đều phơi khô, vừa phơi họ vừa giã cho các hạt cơm nếp rời hẳn, không bị dính vào nhau, sau khi phơi đến một độ nhất định, hạt nếp được rang cùng cát cho đến khi nở bung thành bỏng và được sàng nhiều lần để tách cát ra khỏi hạt bỏng.

    Tiếp đó là công đoạn hoàn thành bánh hoa gạo. Mạch nha được thắng đến khi đạt độ kết dính vừa đủ, sau đó các nguyên liệu sẽ được thả vào chảo đang xèo xèo bong bóng của mạch nha và được trộn đều. Công đoạn này cần hai người cùng phối hợp để đảm bảo độ quyện, độ đều của bánh rồi dàn đều ra mặt phẳng, ép thành phên. Đợi khi bánh chưa nguội hẳn sẽ được cắt thành từng miếng vừa ăn.

     Đối với kẹo kéo, người Hoa chế tạo bằng chính mạch nha đã chế biến trước đó. Khi mạch nha chưa nguội hẳn, họ sẽ tiến hành cố định một đầu gỗ lên cột nhà, rồi kéo cho đến khi mạch nha chuyển từ màu nâu đậm sang màu vàng sữa, rải chút bột gạo cho đỡ dính, để ra khay rồi cắt là thành bánh ngày tết yêu thích của trẻ nhỏ người Hoa.

    Những chiếc bánh hoa gạo được đặt trang trọng trong mâm cúng ngày tết, vị giòn tan béo ngậy của nếp, của vừng cùng sự ngọt thanh của mạch nha; cũng như càng nhai càng ngọt, càng dẻo của kẹo kéo làm nên một hương vị rất riêng và độc đáo.

    Ngày tết dân tộc Hoa, sau mỗi miếng bánh hoa gạo là từng ngụm trà nhỏ, người lớn tỉ tê những câu chuyện trong họ trong bản, trẻ con cầm bánh hoa gạo, miệng nhai kẹo kéo nô đùa trước nhà ngoài ngõ là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa dân tộc Hoa. Từng chiếc bánh, miếng kẹo như nhuộm màu ký ức thời gian, xuyên suốt qua từng thế hệ đồng bào dân tộc Hoa nơi rẻo cao.

    c33c051f668bcbd5929a.jpg

     Dân tộc Hoa là 1 trong 19 dân tộc sinh sống tại Điện Biên với nhiều nét văn hóa truyền thống được bảo tồn qua các thế hệ.

    f8e1de36-7604-4a29-acda-e282d67094b5.jpg

     Mỗi dịp Tết đến, xuân về, tại các bản người Hoa lại rộn ràng, nhà nhà chuẩn bị bánh bỏng, kẹo kéo dịp Tết.

    f390e2d0-e678-48a1-8ecf-4da6faeb1d4f.jpg

    Nước thu được qua quá trình lọc sẽ được đun sôi, cô đọng thành mạch nha, nguyên liệu chính để tạo bánh hoa gạo, kẹo kéo.

    IMG_1058c3903309390.jpg

    Công đoạn hoàn thành bánh hoa gạo cần hai người phối hợp, một người rải nguyên liệu, một người đảo đều, cần nhanh tránh bánh bị cháy.

    f52c10a0-f9d2-4f3c-914e-77d14a798eae.jpg

    Đối với mạch nha còn thừa chưa nguội hẳn sẽ tiến hành kéo kẹo kéo, họ cố định một đầu gỗ lên cột nhà, rồi kéo cho đến khi mạch nha chuyển từ màu nâu đậm sang màu vàng sữa.

    IMG_1069c383983983.jpg

    Định hình, ép bánh bỏng trên mặt phẳng và tiến hành cắt cho vừa miếng, công đoạn này bánh bỏng đã hoàn thành.

  • Thu Trang - Trung tâm VH - TT - TH
  • Các tin khác:
    Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã Lao Xả Phình lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
    Hội nghị giao ban Quý I: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ chức Hội đoàn thể
    Tủa Thàng thực hiện có hiệu quả các nhóm tiện ích trong đề án 06
    Hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ
    Khánh thành, bàn giao công trình tài trợ hạng mục nhà lớp học, bếp ăn điểm trường Lầu Câu Phình
    Đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuần Giáo thăm và làm việc tại huyện Tủa Chùa
    Đoàn công tác HĐND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại huyện Tủa Chùa
    Hội nghị triển khai các hoạt động của Chương trình vùng Tủa Chùa 2 trong năm tài chính 2024
    Đoàn công tác quận Đống Đa - Hà Nội thăm và làm việc tại huyện Tủa Chùa
    Trung tâm GDNN - GDTX huyện hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm bằng Urê làm thức ăn cho gia súc tại thôn Phiêng Páng, xã Sính Phình
    641-650 of 3880<  ...  60  61  62  63  64  65  66  67  68  69  ...  >
    Bản đồ hành chính
  • Công khai gửi nhận văn bản

  • văn bản qua mạng giữa các đơn vị trên địa bàn huyện
  • Tiến độ giải quyết DVC trực tuyến
  • Thư viện Video
  • Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Liên kết Website