|
Huyện Tủa Chùa hiện có hơn 38.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 99%. Thực tế cho thấy, nguồn lao động của huyện chủ yếu là lao động nông thôn và chưa qua đào tạo. Từ thực tế này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đối với lao động người dân tộc thiểu số.
Thực hành ủ thức ăn chăn nuôi tại lớp đào tạo nghề
Thực hiện định hướng đào tạo nghề theo nhu cầu và tình hình thực tế trên địa bàn, trung bình mỗi năm, huyện Tủa Chùa đã tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn cho khoảng 600 đến 700 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó giúp người dân có kiến thức, kỹ năng và có thể áp dụng ngay vào thực tiễn. Ông Điêu Chính Vín, Bảng Báng, thị trấn Tủa Chùa chia sẻ: “Bản thân tôi là học viên được học lớp chăn nuôi này thì tôi cũng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 100 con gia cầm, bây giờ được học thực tế, biết áp dụng khoa học vào chăn nuôi. Tôi sẽ nuôi tăng thêm 200 đến 300 con.”
Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện Tủa Chùa đã tăng cường kết nối với các công ty, doanh nghiệp để thực hiện tư vấn học nghề; qua đó tạo điều kiện cho hơn 200 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước theo hợp đồng. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp như vậy, từ năm 2021, anh Liềm Văn Sơn được giới thiệu đi làm việc tại một công ty may tại tỉnh Hải Dương, với mức thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh Liềm Văn Sơn, bản Nà Sa, xã Mường Đun chia sẻ: “So với làm việc ở nhà với làm việc ở dưới kia thì công việc và mức lương ổn định hơn. Ai làm qua tháng thử việc thì cũng được đóng bảo hiểm, với cả những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần công ty vẫn sắp xếp cho nghỉ. Ví dụ như người ở xa quê xin về nghỉ, thì họ vẫn tạo điều kiện cho về khoảng 4-5 hôm.”
Huyện Tủa Chùa hiện có gần 37.000 người có việc làm thường xuyên, chiếm tỷ lệ trên 96% trên tổng số người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30%. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân chưa cao nên hoạt động tư vấn, xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện có 16 trường hợp xuất khẩu lao động bỏ trốn về nước. Nguyên nhân là do không ký kết hợp đồng lao động cụ thể với đơn vị sử dụng lao động, nên các chế độ làm việc và tiền lương không đảm bảo. Ông Hoàng Quyết Định, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chia biết: “Để tạo nguồn lao động dân tộc thiểu số chất lượng đi làm việc đảm bảo thì phải có chương trình đào tạo, định hướng cũng như phối kết hợp với công ty, doanh nghiệp được cấp phép, tuyển dụng lao động; đào tạo cho người lao động trước khi đi làm. Đối với lao động ở nước ngoài theo hợp đồng phải lựa chọn các doanh nghiệp đảm bảo uy tín, chất lượng. Đồng thời bám vào chủ trương chương trình mục tiêu hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao nhận thức cho người lao động khi đi theo các chương trình tuyển dụng.”
Cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp từ địa phương, người lao động cần phải tự trang bị cho mình thông tin cần thiết; chủ động cập nhật ngành nghề đào tạo và thị trường lao động; đồng thời tích cực tham gia các lớp dạy nghề để có cơ hội tìm được việc làm phù hợp và nâng cao thu nhập./.