|
Xã Trung Thu nằm trên vùng núi đá tai mèo, người dân sống dựa vào làm nương rẫy là chủ yếu. Để thúc đẩy người dân nơi đây phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình kinh tế cho thu nhập khá được mở ra. Người dân Trung Thu cũng khắc phục khó khăn, phát triển trồng trọt chăn nuôi để tăng thu nhập.
Người dân Trung Thu thu hoạch ngô
Xác định người dân xã Trung Thu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp phải thuận theo điều kiện tự nhiên. Vì vậy địa phương khuyến khích bà con nông dân phát triển các loại cây, con bản địa có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay bà con Trung Thu đang phát triển một loại cây bản địa mà sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, đó là cây khoai sọ tím. Khoai sọ tím được bà con Nhân dân Trung Thu trồng và để giống theo phương pháp truyền thống trên các nương lúa, nương ngô. Loại cây này được bà con trồng vào tháng 3, tháng 4 và cho thu củ vào tháng 10, tháng 11 hằng năm. Khoai sọ tím thường được dùng để hầm với xương, làm nên món canh thơm ngon, bổ dưỡng. Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã H’Mông đã liên kết với bà con nông dân xã Trung Thu đã liên kết với phát triển cây khoai sọ tím. HTX hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch. Đến vụ thu hái, HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con.Ông Nguyễn Trọng Huỳnh – Giám đốc HTX H’Mông, xã Trung Thu cho biết: “Chúng tôi triển khai trồng khoai sọ tím tại 3 xã Trung Thu, Sính Phình và Tủa Thàng. Tổng diện tích chúng tôi trồng là hơn 34ha, riêng xã Trung Thu là hơn 16ha. Chúng tôi hỗ trợ giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi để hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh. Về cơ bản khoai cũng đạt năng suất khoảng trên 10 tấn/ 1ha, cũng đã đem lại doanh thu, lợi nhuận cho bà con.”
Người dân được hướng dẫn trồng khoai sọ tím
Khoai sọ tím là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của bà con người Mông vùng cao Tủa Chùa. Loại củ thơm ngon này đã trở thành sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng yêu thích. Năm 2024 bà con xã Trung Thu trồng được trên 10ha khoai sọ tím. Năm nay HTX tiếp tục nhân rộng mô hình tại xã Trung Thu. Đã có thêm một số hộ gia đình nhận giống khoai và liên kết sản xuất với HTX. Vừa có mưa tưới ẩm đất, gia đình anh Vừ A Sử, ở thôn Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu tranh thủ làm đất để trồng khoai sọ. Năm 2024, thấy bà con trong thôn trồng khoai sọ tím bán rất được giá, gia đình anh lại được HTX H’Mông hỗ trợ giống, nên anh trồng loại cây này hy vọng năm nay sẽ có thêm thu nhập cho gia đình. Anh Vừ A Sử - Thôn Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu chia sẻ: “Trước đây ông bà trồng khoai sọ nhưng chỉ trồng một ít trên nương để ăn thôi. Nay được Nhà nước cho giống thì mình trồng thử. Khoai sọ tím này bán cũng được giá.”
Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, người dân Trung Thu còn tham gia bảo vệ, phát triển rừng để có được lợi ích lâu dài từ rừng. Trên địa bàn xã có rừng thông vài chục năm tuổi tại khu vực trung tâm xã. Bà con nơi đây được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, nhiều năm nay họ bảo vệ rất tốt khu rừng này. Khu rừng này vừa tạo không khí xanh mát cho vùng núi đá, vừa là khu cảnh quan thiên nhiên đẹp được nhiều người quan tâm khi đến với Tủa Chùa. Hiện nay người dân thôn Trung Thu đang có hướng đầu tư đưa rừng thông thành điểm du lịch thiên nhiên đẹp. Hiện nay đường giao thông về với xã Trung Thu đã được nâng cấp, đi lại dễ dàng. Phát triển rừng, tạo cảnh quan để phát triển du lịch cũng là hướng đi có tính khả thi trên khu vực này. AnhVừ A Kỷ - Thôn Trung Thu, xã Trung Thu chia sẻ: “Được sự định hướng của xã Trung Thu cho tôi phát triển du lich trên đồi thông. Với lợi thế là có rừng thông và có điểm view đẹp, tôi cũng đã xây dựng điểm dừng chân. Gia đình cũng đã xây dựng một số chòi để khách du lịch có chỗ nghỉ ngơi. Quan điểm của gia đình khi phát triển du lịch là giữ nguyên hiện trạng của rừng thông. Gia đình rất mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm để được đầu tư phát triển điểm du lịch.”
Cảnh đẹp đồi thông Po Chua Lừ xã Trung Thu
Từ năm 2019 đến nay, một số hộ gia đình ở Trung thu đã chủ động vay vốn để đầu tư phát triển mô hình trồng dâu tây. Dâu tây là loại cây ăn quả đặc trưng ở vùng lạnh. Tuy là cây ngoại lai, nhưng khí hậu mát mẻ quanh năm trên vùng núi cao Trung Thu rất thích hợp cho cây dâu tây phát triển. Giống dâu tây được bà con nông dân mua từ tỉnh Sơn La về trồng thử trên ruộng bậc thang thoát nước phát triển rất tốt, sai hoa, trĩu quả. Thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Trung Thu, quả dâu tây trồng ở đây thơm ngọt hơn so với trồng ở vùng thấp nóng ấm. Với số lượng chưa nhiều, khoảng 2ha, bà con Trung Thu thu hái dâu tây chưa đủ số lượng để cung cấp cho thị trường địa phương và xuất bán đi ngoại tỉnh. Khó khăn chính khi trồng loại cây này là khâu vận chuyển. Dâu tây thường được sử dụng để ăn tươi hoặc làm đồ uống, làm mứt, nhưng loại trái cây này dễ dập nát, khó vận chuyển xa. Dâu tây Trung Thu được thu hái hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nên không để được lâu. Quãng đường vận chuyển từ xã ra thị trấn Tủa Chùa, rồi từ thị trấn Tủa Chùa đưa đi thành phố Điện Biên Phủ hoặc Hà Nội xa cả trăm km, là một bất lợi với loại trái cây tươi này. Tuy nhiên, gần đây HTX H’Mông cũng đã liên kết với bà con nông dân trồng dâu tây để thu mua sản phẩm. Anh Thào A Làng – Phó Giám đốc HTX H’Mông, xã Trung Thu cho biết: “Người dân ở đây băt đầu trồng dâu tây từ năm 2019, đến nay bà con cũng thích nghi dần với việc trồng dâu tây. Dâu tây này thì trồng từ cuối tháng 9, khoảng 3-4 tháng thì cho thu hoạch. Cây dâu tây này vất vả hơn các loại cây trồng khác ở khâu chăm sóc và thu hái. Nó là cây ngắn ngày nên cần chăm sóc kĩ khâu tưới nước, tỉa lá và hoa quả. Do thời tiết gặp mưa và một số sâu bệnh mình chưa chăm sóc kĩ, nó bị sâu bệnh và rệp. Thời tiết mưa thì sẽ nhanh bị hỏng quả, ảnh hưởng đến thu nhập. Thu hái, vận chuyển tới điểm bán mình cũng phải có khâu bảo quản chính xác và không làm bị hỏng. Mình thường bán tại vườn với du khách đến đây và vận chuyển đi thành phố Điện Biên và Hà nội tiêu thụ.”
Trung thu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Xã nằm trên khu vực núi cao, địa hình núi đá catx – tơ ít đất sản xuất, bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm vừa qua chính quyền và bà con Nhân dân nơi đây đã nỗ lực để khai thác các điểm mạnh của địa phương nhằm phát triển kinh tế. Với tinh thần cố gắng, bền bỉ tìm hướng phát triển phù hợp, người dân Trung Thu sẽ gặt hái thêm những mùa vụ bội thu.