|
Xã Mường Đun huyện Tủa Chùa có gần 65% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, miền đất này còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng, thể hiện trong lối sống, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi đây luôn nỗ lực trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Lưu truyền văn nghệ truyền thống dân tộc Thái cho các thế hệ trẻ
Đến thăm xã Mường Đun, rất dễ nhận thấy các bản của người Thái nơi đây vẫn mang dáng vẻ nguyên sơ với những ngôi nhà sàn truyền thống mang đậm những nét đặc trưng. Xã Mường Đun hiện có 847 hộ với 4.321 nhân khẩu sinh sống tại 8 thôn bản, dân tộc Thái chiếm gần 65%. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được xã quan tâm thực hiện. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi đây được thể hiện rõ nhất qua những hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt là mới đây Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biênđã phối hợp với UBND xã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian; xây dựng, biên đạo và dàn dựng chương trình văn nghệ cơ sở, kỹ năng xây dựng và tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ cơ sở, cách cảm thụ âm nhạc, phát triển các trò chơi dân gian phù hợp với hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa, du lịch cộng đồng cho người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Xuân Mùi, Phòng quản lý Văn hóa và gia đình Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Qua lớp tập huấn này, từ nội dung giảng dạy đến thực tế nhu cầu phát triển văn hóa văn nghệ của địa phương, chúng tôi xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với bà con nhân dân, nhằm giúp nâng cao nhận thức của người dân đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.”
Thông qua lớp tập huấn đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các học viên; giúp các học viên tích cực, chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, đồng thời, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương. Ông Lường Văn Phối, Bản Hột xã Mường Đun chia sẻ: “Được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên truyền đạt về nâng cao năng lực, tìm hiểu về văn hóa văn nghệ tôi đã hiểu rõ về văn hóa, bản sắc của dân tộc mình. Sau lớp học này về tôi sẽ truyền đạt đến người thân, hàng xóm để hiểu biết hơn nữa về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi mong muốn có nhiều lớp hơn nữa để truyền dạy văn hóa dân tộc cho người dân xã chúng tôi.”
Chị Lò Thị Tiên, Chi Hội trưởng phụ nữ Thôn Bản Đun, xã mường Đun chia sẻ: “Tôi rất vui và phấn khởi được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đến đây truyền đạt lớp tập huấn, dạy chúng tôi các điệu múa của dân tộc thái và chúng tôi còn được học hỏi các trò chơi dân gian, chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.”
Hiện xã có Mường Đun có 08 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tập luyện những tiết mục văn nghệ mang tính truyền thống như: Hát Khạp (là bài hát về công lao của cha ông và những nét đẹp truyền thống để con cháu gìn giữ đến mai sau); múa khăn piêu; múa quạt; chơi đàn tính tẩu; múa xòe, đến những trò chơi dân gian như nhảy sạp, tó má lẹ… Khi biểu diễn, những nghệ sĩ, vũ công thường diện những bộ trang phục truyền thống dân tộc, nam mặc áo chàm đen, nữ mặc áo cóm. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền tới các già làng, trưởng dòng họ trong việc giáo dục con cháu, dạy tiếng Thái, hướng dẫn chơi nhạc cụ truyền thống, dệt may thổ cẩm, đan lát. Chị Lò Thị Doan, công chức Văn hóa Xã hội, xã Mường Đun cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền vận động bà con tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian để không bị mai một như: trò tó má lẹ, tó én, ném còn, ném pao, chơi tính tẩu …qua đó luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.”
Ông Lường Văn Phối, nghệ nhân nổi tiếng về chế tác đàn tính ở bản Hột, xã Mường Đun
Ngoài ra, để bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái trong thời đại phát triển và giao thoa văn hóa vùng miền, xã thường xuyên cử cán bộ xuống từng bản để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ giá trị tốt đẹp của dân tộc mình, định hướng phương pháp lưu giữ và truyền nối cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, đẩy lùi những hủ tục, phong tục lạc hậu như: Thách cưới cao, hôn nhân cận huyết, tảo hôn… thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội. Trong năm 2024, xã có 7 bản và 695 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa.
Với sự chung tay góp sức của cả chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái nơi đây luôn được bảo vệ, giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo tất cả các thôn, bản đều có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng và rèn luyện thể thao; nỗ lực phục dựng và tổ chức những lễ hội truyền thống nhằm phát huy vai trò quảng bá hình ảnh, nét đẹp dân tộc Thái./.