|
Những năm gần đây huyện Tủa Chùa chú trọng phát triển các loại nông sản đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng các loại nông sản đặc trưng để đưa ra thị trường, Tủa Chùa đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên do sản xuất manh mún, hạn chế trong mở rộng liên kết sản xuất và quảng bá sản phẩm, các nông sản đặc trưng của Tủa Chùa vẫn khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm OCOP và nông nghiệp được trưng bày tại Trung tâm thông tin du lịch và Giới thiệu sản phẩm huyện Tủa Chùa
Huyện Tủa Chùa có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chè shan tuyết phân bố ở các vùng núi cao phía Bắc huyện, trong đó hai xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng có số lượng cây chè cổ thụ lớn nhất và mọc tập trung nhất. Chè cây cao cổ thụ Tủa Chùa sinh trưởng, phát triển thuận theo điều kiện tự nhiên, là nguyên liệu làm nên các dòng trà shan tuyết thượng hạng. Hương vị trà shan tuyết Tủa Chùa rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Tháng 3 hằng năm người dân ở đây bước vào thu hái vụ chè xuân. Không chỉ các doanh nghiệp địa phương mà thương lái nước ngoài cũng vào địa bàn để thu mua đợt chè thơm ngon nhất. Gia đình ông Hạng A Chư ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải có hàng trăm cây chè shan tuyết cổ thụ. Nhờ thu hái chè, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông Hạng A Chư chia sẻ: “Gia đình mình hằng năm cũng trồng và chăm sóc cây chè để cho cây chè xanh tốt. Cứ tháng 3 thì mình hái chè cho đến hết tháng 9. Mỗi năm cũng thu được tầm 200 triệu đồng.”
Năm 2007, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án quy hoạch vùng chè 4 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa. Từ đó đến nay người dân vùng chè thường xuyên được hỗ trợ bảo vệ và phát triển vùng chè shan tuyết. Các doanh nghiệp địa phương cũng được khuyến khích đầu tư chế biến, nâng cao giá trị chè shan tuyết Tủa Chùa. Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên liên kết với bà con vùng chè thu mua, chế biến chè đã nhiều năm. Họ không ngừng nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm chè cao cấp để khẳng định thương hiệu chè shan tuyết Tủa Chùa. Hiện doanh nghiệp này có 3 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và nước ngoài. Chị Nguyễn Mỹ Linh – Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên cho biết: “Tủa Chùa là khu vực có điều kiện tự nhiên đặc trưng và đồng bào các dân tộc có nhiều nét văn hóa đa dạng. Chè shan tuyết là một trong các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nơi đây. Những năm qua công ty Hương Linh chúng tôi đã nỗ lực phát triển sản phẩm chè shan tuyết và chúng tôi đã có các dòng sản phẩm đặc biệt để đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.”
Sản phẩm chè của công ty Hương Linh Điện Biên tại Trung tâm thông tin du lịch và Giới thiệu sản phẩm huyện Tủa Chùa
Khoai sọ tím vốn được trồng bên nương ngô, nương lúa của bà con vùng cao. Đất đai tơi xốp, khí hậu mát mẻ là điều kiện tốt để loại cây này sinh trưởng, phát triển mạnh. Khoai sọ tím Tủa Chùa được trồng vào tháng 3, tháng tư và cho thu củ vào tháng 10, tháng 11 hằng năm. Đây là loại thực phẩm thường được dùng để hầm với xương, làm nên món canh thơm ngon, bổ dưỡng. Từ năm 2019 đến nay, bà con nông dân xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa đã liên kết với Hợp tác xã H’Mông phát triển cây khoai sọ tím. Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của bà con nơi đây đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao được quảng bá rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng yêu thích. Anh Vừ A Sử - Thôn Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu chia sẻ: “Trước đây ông bà trồng khoai sọ nhưng chỉ trồng một ít trên nương để ăn thôi. Nay được Nhà nước cho giống thì mình trồng thử. Khoai sọ tím này bán cũng được giá, khoảng 18-20 nghìn đồng/1kg. Từ đó giúp cho gia đình tăng thêm thu nhập.”
Người dân được hưỡng dẫn kỹ thuật trồng khoai sọ tím
Gần đây Tủa Chùa có một sản phẩm nông nghiệp mới được quảng bá khá rộng rãi và dần được người tiêu dùng biết đến, đó là cây dược phẩm cà gai leo. Cà gai leo là loại cây phân bố nhiều ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc của Việt Nam. Loại cây này vốn mọc tự nhiên trên các vùng đất hoang hóa. Cây có dược tính mạnh, được đông y sử dụng để chữa các bệnh về gan như: Viêm gan, xơ gan. Cây cà gai leo dễ trồng và có khả năng chịu hạn rất tốt. Đây là loại cây thích hợp với các vùng đất khô cằn của huyện Tủa Chùa. Một năm người trồng cà gai leo có thể thu từ 2-3 vụ. Cây dược liệu này được phơi khô, rang sao và sản xuất trà uống hằng ngày để hỗ trợ chức năng gan. Mong muốn phát triển mô hình trồng cây dược liệu phù hợp với bà con Nhân dân địa phương, HTX Cà gai leo Tủa Chùa đã đưa cây cà gai leo vào trồng trên vùng đất khô hạn thôn Huổi Lực, xã Mường Báng. Cây cà gai leo phát triển tốt, cho thu hoạch những vụ đầu tiên. Hiện tại HTX cà gai leo Tủa Chùa đã hợp tác với đơn vị sản xuất trà cho ra những sản phẩm đầu tiên từ cây cà gai leo do HTX trồng. Tới đây họ mong muốn phát triển được vùng dược liệu và tự sản xuất sản phẩm ngay tại địa phương. Ông Hoàng Văn Quang – Phó Giám đốc HTX Cà gai leo Tủa Chùa chia sẻ: “Cây cà gai leo này rất dễ trồng và hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Tủa Chùa. Cây có thể cho thu cả thân, lá, hoa quả và rễ. Mỗi ha cà gai leo cho thu nhập hơn lúa và ngô. Chúng tôi mong muốn hợp tác với bà con Nhân dân để đem đến cho bà con mô hình sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay chúng tôi đã hợp tác sản xuất dược liệu từ cà gai leo và đang bán thành phẩm theo dạng bán cây cà gai leo khô được đóng thành túi, dùng để đun nước uống.”
Người dân trồng cây cà gai leo
Là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống người dân ở các xã vùng cao huyện Tủa Chùa còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây huyện Tủa Chùa đã có nhiều nỗ lực vận động bà con Nhân dân trên địa bàn phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Tuy vậy bà con vùng cao Tủa Chùa vẫn còn mang nặng tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, nên việc phát triển vùng canh tác các loại nông sản đặc trưng gặp khó khăn. Hầu hết các sản phẩm OCOP của Tủa Chùa đều đang phát triển dựa trên cơ sở sản phẩm trồng trọt nhỏ lẻ, phụ thuộc tự nhiên của các hộ gia đình. Dù được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, nhưng nông sản đặc trưng của địa phương được đưa ra thị trường vẫn rất ít, khả năng cạnh tranh chưa cao. Việc thúc đẩy bà con nông dân vùng cao thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa, cũng như tạo được mối liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp có tiềm lực, có ý nghĩa quan trọng giúp nông sản đặc trưng vùng cao Tủa Chùa vươn ra thị trường rộng lớn hơn./.