|
Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những năm qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Một số hình ảnh người dân xã Huổi Só tập trung thu hoạch sắn
Trong quá trình triển khai, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tủa Chùa đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện. Công tác tuyên truyền được triển khai từ huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú…Qua đó, nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp được nâng cao, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn hơn. Bà Vũ Ngọc Ảnh, Phó Trường phòng Nông nghiệp và Mồi trường huyện cho biết: “Sản xuất nông nghiệp trong những năm quan được huyện xác định là ngành quan trọng, những năm gần đây thì huyện cũng đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, một số cây nông sản chủ lực, như là Chè Tuyết san, khoai sọ tím, một số sản phẩm thuỷ sản tại vùng bán ngập thuỷ điện Sơn La”.
Những năm gần đây, huyện Tủa Chùa đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hỗ trợ thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích hỗ trợ người dân phát triển các vùng sản xuất tập trung, trồng cây rau màu, cây dược liệu, thủy sản… theo hướng hàng hóa. Ðến nay trên địa bàn huyện đã hình thành gần 30 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả. Anh Nguyễn Trọng Huỳnh, Giám đốc HTX H’Mông xã Trung Thu chia sẻ: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi cấp miễn phí giống và phân bón, ngoài ra trong quá trình trồng và chăm sóc chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, hướng dẫn. Quá trình trồng thử nghiệm thì cho năng suất khoai trên 10 tấn/ha, cũng đã đem lại thu nhập lớn cho bà con”.
Người dân xã Trung Thu được hướng dẫn trồng khoai sọ tím
Thông qua các mô hình liên kết giữa các hợp tác xã với các hộ dân, người được tập huấn và nắm bắt được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh và cho hiệu quả kinh tế, từ đó làm thay đổi tư duy trong sản xuất của các hộ dân. Anh Cứ A Chư, người dân xã Trung thu chia sẻ: “Mọi năm gia đình tôi cũng chỉ trồng ngô và lúa, nhưng năm nay dược hợp tác xã hỗ trợ giống thì ra đình cũng tham gia trồng, mong là sẽ cho hiệu quả kinh tế cho gia đình và người dân”.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, qua đó, cải thiện đời sống Nhân dân, huyện Tủa Chùa đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Các địa phương trong toàn huyện đã quy hoạch khu sản xuất tập trung; đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực. Các sản phẩm nông sản của địa phương ngày càng được nâng cao giá trị. Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: “Về phát triển kinh tế xã hội, xã đã xây dựng kế hoạch, hoạch định về phát triển đàn gia súc cũng như giống cây trồng vật nuôi phù hợp với địa bàn, bện cạnh đó về vấn đề nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt nuôi tại lòng hồ sông Đà thì trong 3 năm lại đây xã đã vận động nhân dân phát triển bền vững. Qua đây, chúng tôi nhận thấy là một trong những mô hình thành lập được hợp tác xã cũng như hướng dẫn về chăn nuôi phù hợp với nhóm mô hình và thúc đẩy kinh tế xã hội, giảm nghèo trên địa bàn xã”.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, người dân các địa phương cũng dần thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cách làm, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm tòi những mô hình kinh tế mới để từng bước xóa đói giảm nghèo. Cuối năm 2024, tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 8.794 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt 29 nghìn tấn; tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 126 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 406 nghìn con; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 29%. Trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn huyện đã gieo cấy được 585 ha lúa Đông xuân; trên 5000 ha ngô; trên 600ha sắn và gần 90ha khoai các loại../.