|
Xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương là một trong những xu hướng phát triển bền vững. Không chỉ phát triển kinh tế xã hội còn nâng tầm, khẳng định chỗ đứng cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cao nguyên đá Tủa Chùa với khí hậu, thổ nhưỡng riêng biệt, các sản phẩm nông sản được sản xuất với nhiều sản phẩm mang đặc trưng riêng có, độc đáo. Có thể kế đến như chè cây cao, cá sông đà, dê núi đá, khoai sọ tím…
Những năm gần đây, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương không ngừng được quan tâm, chú trọng. Sự phát triển về vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, quảng bá thương mại đã góp phần tích cực cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ, ổn định và bền vững của địa phương.
Chè cây cao là một trong những sản phẩm nông sản đặc trưng thế mạnh tại Tủa Chùa. Hàng nghìn gốc chè cổ thụ với tuổi đời hàng trăm tuổi phát triển tập trung tại các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Cứ vào độ mùa xuân, cuối tháng 3, sau những trận mưa đầu mùa, từng búp chè non đâm chồi. Đây là thời gian bà con dân tộc Mông, Xạ Phang bắt đầu thu hái búp bán cho thương lái, các xưởng sơ chế biến mỗi tối lại đều tiếng máy móc sao chế chè tươi.
Chè cây cao được thương lái thu mua
Anh Lò Seo Ngấn, thương lái thu mua, sơ chế chè thôn Tả Sìn Thàng cho biết: Chè cây cao thu mua của các hộ dân sẽ được xử lý, sơ chế bán thành phẩm ngay trong ngày. Các công đoạn sản xuất chè đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí an toàn vệ sinh, đúng quy trình, kỹ thuật đảm bảo chè vẫn giữ lại những phẩm chất quý của chè cổ thụ Tủa Chùa. Hạn chế thấp nhất tác động bởi thời gian thu mua, vận chuyển... Sau khi đã xử lý bán thành phẩm khoảng 80% sẽ được chuyển tiếp về cơ sở sản xuất tại trung tâm huyện để hoàn thành nốt các công đoạn thành phẩm.
Những năm trước chè cổ thụ giao động khoảng 100.000 đồng/kg tươi, thời gian trở lại đây thương hiệu chè cây cao được xây dựng, quảng bá, biết đến nhiều hơn, trở thành thương hiệu nông sản riêng có của Tủa Chùa nên giá thành dần nâng cao. Thời điểm hiện tại đầu mùa giá búp tươi chè cây cao giao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg tươi tùy loại nguyên búp hoặc búp và 1 lá.
Chè tươi thu mua sẽ được xử lý trong ngày đảm bảo chất lượng, phẩm chất ở mức tốt nhất
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh chia sẻ: Chè cổ thụ là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của cao nguyên đá Tủa Chùa. Là một trong những đơn vị sản xuất, chế biến chè cây cao, các công đoạn thu mua, chế biến thành phẩm đều được nghiên cứu, chọn lọc sao cho chất lượng, phẩm chất chè cây cao đạt mức tốt nhất, giá chè thành phẩm được Công ty phát triển giao động từ 500.000 – 3 triệu đồng/kg. Cùng với đó việc phát triển các dòng chè khác nhau, đầu tư mẫu mã bao bì, quảng bá sản phẩm chè Shan Tuyết Tủa Chùa cũng được chú trọng, đáp ứng nhu cầu sử dụng, thưởng thức chè của các tệp khách hàng khác nhau. Từng bước xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Chè cây cao được chế biến thành nhiều dòng, đóng gói thành phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng
Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, cấp ủy, chính quyền huyện Tủa Chùa luôn chú trọng đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, người dân trong phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương với nhiều hình thức khác nhau, từ hỗ trợ công nhận sản phẩm OCOP, trưng bày, quảng bá các sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh…
Khai trương Trung tâm Thông tin du lịch và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm thủ công truyền thống huyện Tủa Chùa.
Cùng với các hoạt động xây dựng, quảng bá thường niên, đầu tháng 4, huyện Tủa Chùa đã tổ chức khai trương Trung tâm Thông tin du lịch và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm thủ công truyền thống tại trung tâm huyện. Trung tâm đã trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Các sản phẩm trưng bày được đầu tư nâng cấp từ mẫu mã, bao bì, đảm bảo chất lượng tốt nhất tới tay người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với thế mạnh của địa phương. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững.