|
Âm nhạc gắn liền với đời sống tinh thần cũng như tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, các loại hình âm nhạc truyền thống cũng như nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số rất cần được bảo tồn và phát huy để góp phần làm nên sự đặc sắc và đa dạng trong văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao Tủa Chùa.
Bản Hột, xã Mường Đun huyện Tủa Chùa chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, trải qua quá trình sinh sống và phát triển, người Thái ở bản Hột vẫn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống. Một trong số đó là nghệ thuật chế tác đàn tính tẩu.
Tính tẩu hay còn gọi là đàn tính là loại nhạc cụ truyền thống gắn bó không thể tách rời trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Thái, là nền tảng, cái hồn trong lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn của đồng bào. Để có thể làm hoàn chỉnh một cây đàn tính tẩu phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như kinh nghiệm… của người chế tác. Ông Lường Văn Phối, nghệ nhân đàn tính bản Hột, xã Mường Đun chia sẻ: Từ bao đời tiếng đàn tính đã ăn sâu vào ký ức, linh hồn mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Thái. Để có thể làm một cây đàn tính chuẩn từ kích thước, màu sắc, âm điệu thì cần rất nhiều thời gian. Người chế tác đàn tính chủ yếu là người hiểu, yêu thích và biết đánh đàn tính. Muốn làm ra một chiếc đàn tính chuẩn đòi hỏi không chỉ sự khéo léo, tỉ mỉ trong các công đoạn làm đàn mà còn cần thử dây, nghe âm thanh, chỉnh đàn… thì mới tạo ra chiếc đàn tính chuẩn của đồng bào dân tộc Thái.Ông Lường Văn Phối, Nghệ nhân đàn tính bản Hột, xã Mường Đun Ông Lường Văn Phối, nghệ nhân đàn tính bản Hột, xã Mường Đun chia sẻ: “Từ bao đời tiếng đàn tính đã ăn sâu vào ký ức, linh hồn mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Thái. Để có thể làm một cây đàn tính chuẩn từ kích thước, màu sắc, âm điệu thì cần rất nhiều thời gian.”
Ở huyện vùng cao Tủa Chùa, dân tộc Mông chiếm trên 70% dân số, cũng chính vì lẽ đó mà văn hóa đồng bào Mông nơi đây cũng được chú trọng gìn giữ và phát huy theo thời gian.
Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như khèn, nhị, sáo trúc, sáo bầu, khèn lá,…mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn. Khèn Mông là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông. Thời gian qua, việc gìn giữ, phát triển cây khèn của đồng bào Mông đã được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bằng nhiều hình thức, trong đó, phổ biến nhất là tổ chức các lớp truyền dạy. Thông qua các lớp, học viên tham gia sẽ được các nghệ nhân truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh. Từ đó phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông. Ông Sình A Tâu, thôn 4, xã Sính Phình là một trong những người giỏi nhất về nghệ thuật thổi và múa khèn trên Cao nguyên Tủa Chùa. Thuần thục hàng chục điệu khèn và hàng trăm bài hát, nên không có sự kiện văn hóa nào của địa phương mà thiếu ông tham gia. Ông Tâu chia sẻ, đam mê tiếng khèn từ nhỏ, trải qua hàng chục năm học hỏi, tích lũy, hiện nay ông đang sở hữu kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn. Nhiều năm qua, ông Tâu tham gia biểu diễn tại nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh và giành được nhiều giải thưởng.
Để gìn giữ các nhạc cụ truyền thống nhất là đối với thế hệ trẻ, tại Trường PTDTNT THPT huyện Tủa Chùa, gần 03 năm trở lại đây một câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc được ra đời. Đây là Câu lạc bộ dành cho các bạn trẻ yêu thích các nhạc cụ dân tộc được giao lưu, học hỏi, chia sẻ và dạy nhau các chơi các nhạc cụ như: Khèn Mông, khèn lá, sáo trúc, sáo bầu, sáo Mông…. Câu lạc bộ này được sinh hoạt định kỳ 01 tuần/01 lần, và thu hút sự tham gia của rất đông các bạn học sinh. Đây không chỉ là hoạt động thư giãn, giải trí sau mỗi giờ học của các bạn học sinh mà còn góp phần quan trọng lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua các nhạc cụ. Em Giàng A Sênh, học sinh lớp 12C2, Trường PTDTNT THPT huyện Tủa Chùa chia sẻ: Em rất thích tham gia các câu lạc bộ của trường, ở đây chúng em được học chơi các nhạc cụ dân tộc của dân tộc mình như: Sáo bầu, sáo mông, khèn Mông, khèn lá…. Cũng cảm thấy rất thú vị và hứng thú với các nhạc cụ dân tộc truyền thống, em Sùng A Páo, học sinh lớp 11C1, Trường PTDTNT THPT huyện Tủa Chùa chia sẻ: “Mỗi tuần một lần chúng em lại tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, bên cạnh đó các bạn nữ cũng tham gia câu lạc bộ thêu truyền thống. Chúng em rất hào hứng khi tham gia, qua đây góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống các dân tộc.”
Để bào tồn các nhạc cụ truyền thống góp phần bảo tồn các di sản văn hóa các dân tộc, thời gian qua huyện Tủa Chùa luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp như: Lưu giữ các nhạc cụ truyền thống, tăng cường mở các lớp truyền dạy, khuyến khích các thế hệ gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống lâu đời. Với nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc như là những viên ngọc quý, sáng đẹp mang sức sống tiềm tàng góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc. Hiện nay, nhạc cụ dân tộc cũng đang có những khởi sắc mới do nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng cao. Tuy nhiên, trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng là nhiệm vụ của mỗi người góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Tủa Chùa.