|
Trong bối cảnh toàn ngành Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang tích cực triển khai chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa đã và đang có nhiều nỗ lực cụ thể để đưa công nghệ số vào hoạt động tín dụng chính sách, phù hợp với đặc thù địa bàn miền núi, dân cư phân tán và đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hình ảnh Hội LHPN xã Sính Phình hướng dẫn Tổ trưởng tổ TK&VV nhập liệu trên ứng dụng TDCSXH
Xác định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng phục vụ, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa đã chủ động triển khai công nghệ như phần mềm VBSP Smartbanking, số hóa hồ sơ vay vốn, và ứng dụng nền tảng Core Banking vào các nghiệp vụ cơ bản.
Trong quá trình triển khai, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng số thông qua các buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để phổ biến cách tra cứu dư nợ, xem lịch trả nợ, thực hiện các giao dịch trực tuyến đơn giản.
Tiêu biểu tại xã Sính Phình, ông Sùng A Trùng – hộ vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn năm 2022 – chia sẻ: “Tôi không đủ tiền mặt để trả số tiền gốc là 50 triệu đồng, tôi chỉ có 30 triệu tiền mặt, tôi đã được cán bộ ngân hàng hướng dẫn chuyển khoản trả gốc số tiền 20 triệu đồng mà không phải rút tiền mặt để trả.”
Bà Lường Thị Vận được vay số tiền 20 triệu đồng để sửa chữa nâng cấp công trình nước sạch của hộ gia đình từ năm 2024 đến ngày 13/5/2025 cho biết: “Gia đình tôi có thu nhập 10 triệu đồng muốn trả bớt tiền gốc đang vay, mặc dù chưa đến ngày giao dịch xã, chưa đến hạn trả gốc nhưng bà đã được tổ trưởng hướng dẫn chuyển tiền trả gốc qua tài khoản mà không cần đến ngân hàng hay đợi đến ngày giao dịch tại xã để trả. Cách này rất tiện, không phải rút tiền mặt, lại không phải đi xa.” Dịch vụ chuyển tiền trả nợ qua tài khoản đang được khuyến khích và từng bước thay đổi thói quen giao dịch của người dân vùng cao.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, Phòng giao dịch cũng phối hợp chặt chẽ với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao hiệu quả nhập liệu và quản lý dữ liệu khách hàng. Ông Lường Văn Bình, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Hột, xã Mường Đun cho biết: “Từ khi được tập huấn sử dụng ứng dụng Tín dụng chính sách xã hội, tôi có thể nhập danh sách hộ vay, thông tin trả gốc, trả lãi lên điện thoại. Làm trên app nhanh, chính xác hơn so với ghi chép sổ tay trước đây. Bà con cũng yên tâm hơn vì thông tin minh bạch.”
Dù còn gặp một số khó khăn về mạng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa, song đội ngũ cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo trong việc tiếp cận người dân, hỗ trợ trực tiếp khi cần thiết, từng bước đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến gần hơn với người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay tỷ lệ hồ sơ vay vốn được nhập liệu trên hệ thống đạt gần 100%, nhiều xã đã có người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smartbanking để tra cứu thông tin tín dụng cá nhân, từng bước hình thành thói quen giao dịch số trong cộng đồng.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa cho biết: “Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ và phối hợp tốt với chính quyền, các hội đoàn thể để đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, được tiếp cận đầy đủ, thuận tiện và an toàn với các dịch vụ tài chính.”
Có thể nói, chuyển đổi số đang mang lại những chuyển biến tích cực cho hoạt động của NHCSXH tại Tủa Chùa. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách tín dụng thuận lợi hơn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.