|
Trước đây, người dân ở các thôn bản vùng cao huyện Tủa Chùa chủ yếu nuôi lợn theo tập quán truyền thống, chưa biết đến việc chọn giống, kỹ thuật sinh sản hay phòng trị bệnh dẫn đếnnăng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng giống không đảm bảo khiến cuộc sống người dân cứ mãi bấp bênh.
Lớp đào tạo nghề chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn tại thôn Tà Dê, xã Tả Phìn do Trung tâm GDNN – GDTX huyện Tủa Chùa tổ chức ngày 11/4/2025 đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét trong tư duy và kỹ năng chăn nuôi của bà con. Học viên không chỉ được học cách phòng trị bệnh phổ biến ở lợn mà còn tiếp cận những kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đặc biệt là kỹ thuật khai thác tinh đực giống và phối giống cho lợn cái.Đây là một trong những nội dung chuyên sâu nhất được giảng dạy trong chương trình đào tạo, là bước quan trọng nhằm duy trì và nhân rộng đàn lợn có chất lượng cao. Tinh được lấy đúng kỹ thuật không chỉ đảm bảo khả năng thụ thai cao mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho lợn đực giống, kéo dài thời gian sử dụng.Qua bài giảng và thực hành trực tiếp, người dân được hướng dẫn cách nhận biết thời điểm thích hợp để khai thác tinh, kỹ thuật massage kích thích lợn đực, thao tác lấy tinh an toàn và quy trình bảo quản ngắn hạn.
Cùng với kỹ thuật khai thác tinh là quy trình phối giống nhân tạo cho lợn cái một giải pháp giúp người dân chủ động hơn trong chăn nuôi. Phối giống đúng kỹ thuật giúp giảm tỷ lệ chết non, nâng cao tỷ lệ đậu thai, chọn lọc được những đặc tính tốt của lợn bố mẹ để tạo ra thế hệ lợn con khỏe mạnh, lớn nhanh.
Người học được hướng dẫn cách theo dõi chu kỳ động dục ở lợn cái, thời điểm thích hợp để phối giống, kỹ thuật đưa tinh vào đúng vị trí, đảm bảo vô trùng và nhẹ nhàng để không làm tổn thương lợn.Việc nắm vững kỹ thuật này giúp bà con không còn lệ thuộc vào lợn đực giống trong vùng, hạn chế giao phối cận huyết, đồng thời tiết kiệm chi phí vì không cần mua giống mới liên tục.
Lớp học không chỉ đơn thuần là chuyển giao kỹ thuật. Nó còn là một chiếc cầu nối đưa khoa học đến gần với thực tiễn chăn nuôi ở vùng khó khăn. Người dân Tà Dê, xã Tả Phìn nay đã có thể tự tay làm chủ quy trình sinh sản của đàn lợn, hướng đến chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao hơn./.