|
Hiện nay, bệnh đang có diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 6/2020 đến nay bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắc xin bạch hầu hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Bệnh bạch hầu thường khởi phát như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản và có thể bạn sẽ thấy lạ là bệnh này cũng có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, nuốt đau, da xanh, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ... Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt. Người mắc bệnh Bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Ảnh minh họa
Đối tượng dễ mắc bệnh: Người ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin; đối với trẻ sơ sinh thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu;ở trẻ em tuổi dễ mắc bệnh < 15 tuổi nếu chưa có miễn dịch;sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch tỷ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 - 5%;Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh;
Một số biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu:
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu. Hiện nay trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) khi trẻ được 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
Đối với người nhiễm bệnh Bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Vì tương lai của trẻ, hãy cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Khi xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.