16:25 phút - Thứ sáu, 24-1-2025 |
|
Thiếu nữ Mông với trang phục rực rỡ sắc màu
Khi những cánh hoa đào rừng khoe sắc cũng là lúc đồng bào dân tộc huyện Tủa Chùa vui xuân đón tết. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, đây còn là lúc mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên cũng như trời đất đã phù hộ sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên và cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến với Tủa Chùa,cảnh vật làm say đắm lòng người và níu chân du khách đó chính làcảnh sắc núi non trùng điệp, những mái nhà nhỏ của đồng bào dân tộc miền núi giữa những thửa ruộng bậc thang. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, đi đến đâu du khách cũng gặp hoa đào ở sườn núi, sườn đồi, hay bên mái nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc. Đặc biệt đến với Tủa Chùa du khách còn được hòa mình vào những lễ hội xuân, hệ thống hang động nguyên sơ và huyền bí đầy quyến rũ.
Du khách thăm quan hang động Khó Chua La, xã Xá Nhè
Ngay từ những ngày đầu năm mới, từng dòng người đã đổ về các khu đất trống để vui hội xuân, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên chúng tôi tại các xã như Mường Báng, Tả Phìn, Sính Phình và Xá Nhè người dân tập trung về chơi xuân đông hơn so với các xã khác trong huyện. Hội xuân nơi rẻo cao Tủa Chùa không có sự dàn dựng công phu nhưng những tiết mục văn nghệ bằng khèn Mông, sáo Mông, hát giao duyên do chính các “nghệ nhân” trình bày mang lại những nụ cười vui tươi cho đông đảo người xem.
Các nghệ nhân biểu diễn tiết mục múa khèn
Xuân Canh Tý 2020, tại các điểm chơi xuân có hàng nghìn du khách trong và ngoài huyện về du xuân. Tất cả mọi người đều chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để mặc vào dịp Tết. Những người đến du xuân đều mang trên mình những bộ váy áo truyền thống, rực rỡ sắc màu, họa tiết hoa văn độc đáo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân vui xuân như: lắp đặt tăng âm, loa, đài phục vụ việc biểu diễn văn nghệ và thông báo về các trò chơi, nội dung thi đấu do xã tổ chức. Những chiếc lán nhỏ cũng được một số gia đình dựng lên quanh bãi đất để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho những người đến đây du xuân. Bên cạnh đó công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… cũng được quan tâm thực hiện.
Hàng quán phục vụ nhầu cầu của du khách
Ném pao là trò chơi được đồng bào Mông chơi nhiều nhất trong những ngày du Xuân. Từ các cháu nhỏ cho đến cụ già đều ưa thích trò chơi này, tùy theo lứa tuổi, họ sẽ tự chọn bạn chơi với mình. Ném pao chính là cách người Mông bày tỏ tình cảm với nhau. Hầu hết những nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được bạn tình qua trò chơi pao.
Tham gia trò chơi ném Pao
Đến với huyện vùng cao Tủa Chùa vào những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được thả mình vào không gian của núi rừng, ngắm cảnh cao nguyên đá, hệ thống hang động kỳ vĩ mà còn có cơ hội tham gia rất nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc, một trong số đó là lễ hội chọi dê. Đây là năm thứ 2 huyện Tủa Chùa tổ chức lễ hội chọi dê dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội chọi dê tranh tài ở hai hạng cân, dưới 35kg và trên 35kg, các xã không bị khống chế về số lượng dê tham gia. Để chuẩn bị cho hội thi, chủ dê phải chăm chút cho những con dê của mình trong một khoảng thời gian khá dài, những con dê được chọn phải có thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, sừng cao…
Sới chọi dê được tổ chức đơn giản trên một khu đất bằng phẳng trên sườn núi được giới hạn bởi hàng sắt, chăng dây thừng bao quanh khu vực thi đấu. Những chú dê được đánh số và sẵn sàng cho những trận đấu khốc liệt. Trong suốt cuộc mưu sinh trên núi cao, con dê luôn là con vật giúp đồng bào thoát nghèo, làm giàu. Con dê dễ nuôi, dễ chăn thả và phù hợp với địa bàn sống của cư dân nơi đây. Vì thế, hội chọi dê là dịp để khẳng định thành quả lao động của đồng bào sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là dịp để đồng bào chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăn nuôi dê và gia súc để mùa sau có được thành quả lớn hơn. Hơn thế nữa, mỗi người khi đến với lễ hội đều được hòa mình vào không gia rộn ràng của mùa xuân với những trò chơi truyền thống và cảm nhận được nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi vùng cao.
Chọi dê tại hội xuân xã Sính Phình
Chọi dê không đơn thuần chỉ là một trò chơi mà còn có ý nghĩa tâm linh: đó là sự cầu mong may mắn cho gia chủ, may mắn cho cả vùng, cầu mong cho một năm mùa màng bội thu và hơn thế nữa, hoạt động này còn như một sự chọn lựa, bảo tồn nguồn gen quí của giống gia súc đã gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao. Việc tổ chức lễ hội chọi dê độc đáo này ngoài việc góp phần bảo tồn các vốn văn hóa, thể thao truyền thống, còn thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.
Qua các hoạt động vui chơi trong những ngày diễn ra chơi xuân, các làn điệu hát đối đáp, các trò chơi dân tộc như ném Pao, múa khèn, thổi kèn lá, lễ hội chọi dê được gìn giữ, góp phần phát huy và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi rẻo cao Tủa Chùa./.